Kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu: Đảm bảo an toàn thực phẩm từ cửa ngõ
LSO-Thời điểm này đã bước vào đầu vụ thu hoạch nông sản của nông dân Trung Quốc. Theo dự kiến của cơ quan chức năng, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, nông sản nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chủ yếu là qua cửa khẩu Tân Thanh.
LSO-Thời điểm này đã bước vào đầu vụ thu hoạch nông sản của nông dân Trung Quốc. Theo dự kiến của cơ quan chức năng, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, nông sản nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chủ yếu là qua cửa khẩu Tân Thanh. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị kiểm dịch tại cửa khẩu là siết chặt kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu.
Cán bộ kiểm dịch thực vật kiểm tra nhanh dư lượng hoá chất trên nông sản nhập khẩu |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết: Tuy mới đầu vụ, nhưng thời điểm này lượng nông sản nhập khẩu đã tăng khá mạnh, trung bình từ 200-300 tấn/ngày, dự báo lúc cao điểm có thể lên đến 600-800 tấn/ngày. Việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với người tiêu dùng Lạng Sơn mà còn đối với nhân dân các tỉnh phía sau. Từ ngày 1/7/2011, theo Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, ngày 16/3/2011 của Bộ NN&PTNT, việc kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu được giao cho các đơn vị kiểm dịch thực vật.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết: Ở Lạng Sơn, nông sản nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, chính vì vậy vào thời gian cao điểm, Chi cục đã chủ động tăng cường cán bộ, trang thiết bị kiểm dịch tại cửa khẩu này. Đồng thời qua 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ mới, cán bộ kiểm dịch cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đảm bảo được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ nhưng cũng thông thoáng, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản qua địa bàn.
Những tháng đầu năm 2013, dư luận trong cả nước rất quan tâm đến thông tin về gừng và khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và thẩm thấu sâu vào nội địa. Tuy nhiên gừng và khoai tây nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn sau khi hậu kiểm vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thực tế, ngay khi có thông tin, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã nắm được nguồn gốc sản xuất các lô hàng nhiễm “bẩn” và ngay lập tức cảnh báo cho các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản trong nước ngừng nhập hàng từ các vùng đó. Đồng thời, ngay từ cửa khẩu, Kiểm dịch thực vật đã thực hiện kiểm tra chặt đối với các mặt hàng này, tức là tăng tần suất kiểm tra xác suất từ 10% lên 30%. Chính những động thái này đã góp phần quan trọng chặn nông sản “bẩn” nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thực hiện tốt Thông tư 13, ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, còn có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản. Bà Phạm Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thịnh, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu nông sản lớn trên địa bàn tỉnh cho biết: Chúng tôi rất ủng hộ việc kiểm tra chặt chẽ chất lượng nông sản nhập khẩu ngay từ biên giới, đối với doanh nghiệp cũng đã lựa chọn kỹ càng các mặt hàng của đối tác. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đưa ra ràng buộc với các doanh nghiệp cung cấp phía Trung Quốc về chất lượng nông sản. Đồng thời, theo lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, trong vòng 2 năm qua, các lực lượng kiểm dịch, kiểm nghiệm phía Trung Quốc cũng đã rất chú trọng tới việc nhắc nhở, kiểm tra các nguồn hàng ngay từ trong nước trước khi xuất khẩu.
Người dân chọn mua hoa quả tại chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn – Ảnh: BT |
Hiện nay, Trạm Kiểm dịch Tân Thanh đã được trang bị thêm các bộ thử nhanh dư lượng hóa chất trên nông sản. Thông qua thiết bị này, nông sản nhập khẩu có dư lượng hóa chất, trước khi xác định dưới ngưỡng hay vượt ngưỡng an toàn cũng khó có thể “lọt”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Tân Thanh khẳng định: Thời gian cao điểm này, chúng tôi xác định làm hết việc chứ không phải hết giờ, tập trung, nỗ lực cao nhất đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với nông sản nhập khẩu.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()