Ngay khi được phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhanh chóng bán lượng vàng lớn ra thị trường, giá vàng trong nước bắt đầu giảm theo. Chiều 7-10, giá vàng SJC đã rời ngưỡng 44 triệu đồng/lượng, còn 43,3 - 43,8 triệu đồng/lượng, giảm 450 nghìn đồng/lượng so với chốt giá chiều 6-10. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đang thu hẹp dần, đến cuối ngày 7-10, khoảng cách chênh lệch này chỉ còn xấp xỉ một triệu đồng/lượng, thay cho mức 1,4 đến 1,8 triệu đồng/lượng của ngày 6-10.Việc NHNN xem xét cho phép một số NHTM đủ điều kiện được chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (vàng tồn quỹ) thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước được coi là một trong những biện pháp mạnh nhằm bình ổn thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới. Mặc dù NHNN đã hai lần cấp quota cho một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng, nhưng lượng vàng nhập khẩu về cũng chưa đủ để có thể...
Ngay khi được phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhanh chóng bán lượng vàng lớn ra thị trường, giá vàng trong nước bắt đầu giảm theo. Chiều 7-10, giá vàng SJC đã rời ngưỡng 44 triệu đồng/lượng, còn 43,3 – 43,8 triệu đồng/lượng, giảm 450 nghìn đồng/lượng so với chốt giá chiều 6-10. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đang thu hẹp dần, đến cuối ngày 7-10, khoảng cách chênh lệch này chỉ còn xấp xỉ một triệu đồng/lượng, thay cho mức 1,4 đến 1,8 triệu đồng/lượng của ngày 6-10.
Việc NHNN xem xét cho phép một số NHTM đủ điều kiện được chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (vàng tồn quỹ) thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước được coi là một trong những biện pháp mạnh nhằm bình ổn thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới. Mặc dù NHNN đã hai lần cấp quota cho một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng, nhưng lượng vàng nhập khẩu về cũng chưa đủ để có thể kéo giá vàng trong nước xuống. Giá vàng trong nước vẫn luôn cao hơn giá vàng thế giới, thậm chí có thời điểm cao hơn tới bốn triệu đồng/lượng. Với quy định mới của NHNN, lượng vàng bán ra của một số NHTM đã tăng nguồn cung cho thị trường vàng trong nước, giúp thu hẹp dần khoảng chênh lệch bất hợp lý giữa giá vàng trong và ngoài nước. Đồng thời, NHNN cũng không tốn ngoại tệ để nhập vàng về, bảo đảm kiểm soát nhập siêu.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cho phép các NHTM này được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. NHNN đã quy định các điều khoản chặt chẽ để bảo đảm việc mở và sử dụng tài khoản vàng ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng cho các NHTM. Còn nhớ, năm 2006, NHNN đã cho phép một số NHTM và doanh nghiệp kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN nhằm giúp các đơn vị kinh doanh vàng có thể lựa chọn mức giá khi quyết định xuất, nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời điểm đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế như các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế. Đây là hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn. Đồng thời, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong nước. Do vậy, đến đầu năm 2010, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng như trong nước đã bị chấm dứt.
Để tránh tình trạng lặp lại như trước đây, việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài của một số NHTM cần được NHNN quản lý chặt chẽ, giám sát liên tục tài khoản vàng ở nước ngoài cũng như cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng, tránh hiện tượng lợi dụng đầu cơ. Các NHTM được cấp phép bán vàng và mở tài khoản vàng ở nước ngoài phải là những ngân hàng đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, có quy chế quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, có hệ thống mạng lưới phân phối rộng rãi, không vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng… thì mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường khi có biến động theo yêu cầu của NHNN.
Những động thái can thiệp thị trường vàng những ngày gần đây của NHNN có thể coi là những giải pháp tức thời, trước mắt nhằm dập tắt “cơn sốt” giá vàng trong nước. Song để có thể quản lý chặt chẽ thị trường này một cách hiệu quả, bài bản, thì cần nhanh chóng ban hành nghị định mới về quản lý thị trường vàng với một loạt các giải pháp đồng bộ. Đây chính là khung pháp lý bảo đảm cho NHNN quản lý hiệu quả thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng, góp phần ổn định thị trường vàng và ngoại hối.
Theo Nhandan
Ý kiến ()