Kiểm soát chặt giá cả hàng hóa trên thị trường
– Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát chặt giá bán hàng trên thị trường.
Theo số liệu của Sở Công Thương, 11 tháng đầu năm 2022, trong 11 nhóm mặt hàng chính thì có 6 nhóm mặt hàng liên tục tăng giá. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,92% (trong đó nhóm thịt gia súc tăng 22,61%, gia cầm tăng 6,29%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,11%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,61%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,18%; giáo dục tăng 14,57%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 9,37%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,3%. Chính điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra giá bán hàng hóa tại cơ sở kinh doanh tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định
Trao đổi về vấn đề giá cả hàng hóa trên thị trường, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Giá xăng, dầu từ đầu năm 2022 đến nay qua các kỳ điều chỉnh chủ yếu là tăng giá. Cùng với giá xăng, dầu, giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón cũng liên tục điều chỉnh theo hướng tăng cao. Chính điều này tác động đến diễn biến của giá cả hàng hóa trên thị trường và hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng liên tục.
Nhằm kiểm soát giá cả hàng hóa, không để giá bán hàng hóa tăng bất hợp lý, từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chuyên đề trọng điểm.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Trước những diễn biến phức tạp về giá các mặt hàng trên thị trường, thực hiện kế hoạch về kiểm soát giá cả thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, đội đã thực hiện kiểm tra 194 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra đã xử phạt 75 cơ sơ kinh doanh vi phạm các quy định về giá bán hàng hóa. Trong đó, chỉ tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 11/2022, đội đã ra quân kiểm tra 52 cơ sở kinh doanh, các chợ, các cửa hàng tự chọn… trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra đã xử phạt 26 cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về giá (không niêm yết giá, bán giá cao hơn giá của nhà sản xuất…).
Cùng với Đội QLTT số 1, thực hiện kế hoạch về kiểm soát giá hàng hóa trên thị trường, các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra quy định về giá bán hàng hóa đối với các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa. Được biết, năm 2022 là năm lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm về quy định giá bán hàng hóa nhiều nhất so với các năm trước đây. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 589 cơ sở kinh doanh, xử phạt 495 cơ sở. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 396 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát, bình ổn giá cả các loại hàng hóa, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang tiếp tục tổ chức kiểm tra về thực hiện các quy định trong kinh doanh của các cơ sở, trong đó, trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện quy định về giá của các cơ sở kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng tự chọn… Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường theo dõi, nắm sát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa không đúng quy định gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhân viên siêu thị Winmart Lạng Sơn kiểm tra hoa quả tươi trên kệ hàng
Tuy vậy, theo ý kiến của người tiêu dùng, giá một số mặt hàng, nhất là thực phẩm hiện vẫn còn cao. Chị Vũ Huệ Phương, khối 9, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Xăng lên giá, hàng hóa cũng tăng giá nhưng xăng giảm giá thì chưa thấy hàng hóa giảm. Cụ thể nhất là mặt hàng dầu ăn tăng giá rất nhiều, chẳng hạn như dầu ăn Simply loại chai 2 lít hồi đầu năm giá 85.000 đồng, nay lên 130.000 đồng và chưa có dấu hiệu giảm. Tương tự, hiện giá một số loại thực phẩm, sinh hoạt thiết yếu cho gia đình hằng ngày vẫn tăng khá cao. Như giá thịt lợn vẫn ở mức 100 – 120 nghìn đồng/kg (tùy loại), các loại rau xanh cũng đã tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm đầu năm. Những điều này khiến người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong mua bán và chi tiêu hằng ngày.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Nhằm kiểm soát, kiềm chế giá hàng hóa tăng cao, nhất là nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa cố tình đẩy giá hàng hóa lên cao vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có văn bản đề nghị các lực lượng chức năng, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, ban chỉ đạo 389 các huyện và thành phố tăng cường phối hợp, đồng loạt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, nhất là các nhóm mặt hàng thiết yếu, góp phần tích cực trong việc kiểm soát giá, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, lực lượng QLTT và lực lượng công an sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường theo dõi, nắm sát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa không đúng quy định gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh xử phạt, cơ quan QLTT tổ chức tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh về việc không tăng giá hàng hóa. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh vi phạm về việc bán giá hàng hóa không đúng với giá niêm yết của nhà sản xuất.
Thực tế nhu cầu mua sắm sẽ càng tăng vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, do đó giá hàng hóa trên thị trường cũng sẽ có những biến động. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan QLTT và các ngành chức năng, giá bán hàng hóa trên thị trường tỉnh sẽ được bình ổn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương
“Nhằm kiểm soát, kiềm chế giá hàng hóa tăng cao, thời gian qua, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ban quản lý các chợ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng, nhất là các loại nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu người dân. Bởi việc chủ động nguồn cung hàng hóa sẽ góp phần ổn định giá bán hàng hóa ra thị trường. Sở cũng đã làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị phân phối nhằm chủ động nguồn hàng, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khan hàng. Theo đó, hiện 6 doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn và 20 siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh đã cam kết đảm bảo nguồn cung về hàng hóa, nhất là hàng hóa tiêu dùng và hàng thiết yếu vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023”.
Bà Chu Thị Hồng Thái, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, khóa XIV
“Để kiểm soát giá các loại hàng hóa tăng thì việc đầu tiêu là phải kiểm soát giá xăng, dầu, đây là công việc của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương liên quan. Giải pháp đầu tiên và quan trọng là bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, tiếp đó là thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá xăng, dầu. Còn đối với tỉnh, ngành công thương tỉnh và cơ quan quản lý thị trường cần triển khai các biện pháp để kiểm soát tốt thị trường, không để tình trạng tăng giá bán hàng hóa đột biến. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tập trung ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá bán hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người dân”.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()