Kiểm soát chặt giá bán thịt lợn tại các chợ
– Giá lợn hơi vào thời điểm ngày 31/5/2021 trên địa bàn tỉnh là hơn 70 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 4/2021. Tuy vậy, giá thịt lợn thành phẩm bán cho người tiêu dùng cùng thời điểm vẫn ở mức cao. Để bảo vệ người tiêu dùng và bình ổn thị trường, cơ quan chức năng đã và đang tăng cường kiểm soát giá bán thịt lợn thành phẩm.
Theo rà soát tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong tuần qua của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, tỷ lệ giá các loại thịt lợn thành phẩm sau khi giết mổ cao hơn từ 1,7 đến 1,9 lần so với giá lợn hơi. Cụ thể, giá lợn hơi ở mức 70 đến 75 nghìn đồng/kg, thì giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 135 đến 150 nghìn đồng/kg (tùy loại).
Trước thực trạng đó, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường kiểm soát thị trường, giá bán các loại hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Người tiêu dùng lực chọn mua thực phẩm tươi sống nhập khẩu tại Siêu thị Vinmart
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Để bình ổn giá cả thị trường, trong đó thực hiện việc kiểm soát, bình ổn mặt hàng thịt lợn, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT thành lập các tổ và tiến hành kiểm tra, rà soát các tiểu thương, quầy hàng buôn bán thịt lợn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm liên quan đến thịt lợn. Từ giữa tháng 5/2021 đến nay, qua kiểm tra, các đội đã xử phạt 27 cơ sở kinh doanh thịt lợn vi phạm về việc không niêm yết giá.
Theo tìm hiểu, hiện nay, đối với mặt hàng thịt lợn, chưa có quy định áp giá trần (mức giá cao nhất ở từng thời điểm), do vậy, bên cạnh kiểm tra về việc niêm yết giá và thực hiện các quy định về kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, cơ quan QLTT cũng chỉ dựa trên giá cả thị trường hằng ngày để tính toán và yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh thịt lợn giảm giá và không bán thịt lợn thương phẩm với giá quá cao.
Tuy vậy, theo ý kiến của người tiêu dùng, giá thịt lợn thành phẩm hiện vẫn còn cao. “Với mức giá lợn hơi như hiện nay, giá bán thịt lợn thành phẩm ở mức trung bình 120 nghìn đồng/kg là hợp lý…” – bà Trương Thị Oanh, người dân khối 9, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết.
Khi được hỏi về việc giá thịt lợn thành phẩm bán cho người tiêu dùng vẫn còn cao, chính các chủ quầy bán thịt lợn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng không ngần ngại cho biết: Hiện giá thịt lợn móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao, từ 115.000 đến 120.000 đồng/kg nên họ phải bán thịt với giá từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg thì mới có lãi.
Từ thực tế này cho thấy: để kiểm soát giá thị lợn tại các chợ, các ngành, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát từ khu vực lò mổ đến các chợ dân sinh, như vậy mới có thể kiểm soát triệt để giá bán thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng.
Trao đổi về vấn đề nay, ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn phải nhập từ các địa phương khác, vì thế, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm trên địa bàn phụ thuộc nhiều vào giá nhập của các tiểu thương.
Hiện Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt tình hình giá thịt lợn trên thị trường, qua đó, trên cơ sở giá thực tế, thông tin cho các lực lượng chức năng kịp thời kiểm soát, bình ổn giá bán thịt thương phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ, đầu mối bán buôn mặt hàng thịt lợn để kiểm soát nguồn cung, giá bán đối với mặt hàng này.
Thực tế cho thấy: giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ mặt hàng thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. Thời điểm này, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm giá lợn hơi. Vì vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để kiểm soát chặt giá thịt lợn thành phẩm, qua đó bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Trên địa bàn tỉnh đã có một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Tuy vậy, các tư thương trên địa bàn tỉnh lại không thể mua lợn của các trang trại này. Bởi tất cả các trang trại lớn đều đã ký hợp đồng cung cấp cho các công ty lớn ở các tỉnh, thành khác. Sau đó, các công ty đó mới cung ứng ngược trở lại cho các tư thương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh vẫn cao hơn so với mặt bằng chung. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn thành phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Do đó, biện pháp tối ưu là các gia trại trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện tái và tăng đàn lợn, đáp ứng nhu cầu tại địa bàn”. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
Ý kiến ()