Kiểm soát chặt, dự phòng sâu
LSO-Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh sốt xuất huyết, công tác kiểm soát và phòng ngừa đã và đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Người dân phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) theo dõi và diệt trừ lăng quăng, bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước |
Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan y tế dự phòng (YTDP) Lạng Sơn, tính đến hết ngày 31/7/2017, Lạng Sơn chưa bùng phát sốt xuất huyết, nhưng đã ghi nhận gần 10 ca bệnh là người dân tại các địa phương như: Hữu Lũng, Lộc Bình, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn. Đây là những người tạm trú tại Hà Nội và đã bị mắc bệnh. Trước tình hình đó, ngành YTDP đã chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường theo dõi những bệnh nhân này khi họ về địa phương và tiến hành khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi cho gia đình có người mắc và những gia đình xung quanh. Mặt khác, phổ biến cho gia đình người mắc và khu dân cư cách thức đề phòng lây truyền bệnh.
Triển khai Công điện số 1106/CĐ-TTg, ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Công văn số 737/UB-KGVX, ngày 29/7/2017 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Sở Y tế đã chỉ đạo cơ quan YTDP tỉnh tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống YTDP từ cấp huyện đến cấp xã về cách thức tuyên truyền, nhận biết bệnh sốt xuất huyết; tăng cường công tác trực báo dịch hằng ngày. Kiểm tra và bổ sung hóa chất, trang thiết bị dự phòng để nâng tỷ lệ dân số được bảo vệ khỏi sốt rét nói chung và sốt xuất huyết nói riêng. Đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng chống sốt rét, nhất là công tác phòng chống sốt xuất huyết và bệnh Zika năm 2016, các trạm y tế đã có sự liên hệ chặt chẽ đối với các cơ quan chức năng địa phương, nhất là cơ quan tư pháp, hộ tịch, hộ khẩu để nắm được số người tạm trú, di chuyển từ vùng lưu hành sốt rét, sốt xuất huyết về địa phương, tuyên truyền và theo dõi diễn biến bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Với hàng chục ngàn lam máu được xét nghiệm mỗi năm, trong đó tập trung vào những vùng thường lưu hành sốt rét, công tác phòng chống sốt rét ở tỉnh ta đã được giữ vững trong nhiều năm qua. Tuy vậy, với sự phức tạp về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết, chúng ta không thể chủ quan. Bởi vì, không như sốt rét thường lưu hành tại một số khu vực vùng sâu, vùng núi và vùng đồng bào dân tộc, sốt xuất huyết lại chủ yếu lưu hành ở khu vực đông dân cư, khu vực thị trấn, thành phố, nhất là những nơi “yếu” về vệ sinh môi trường như: công trường, xưởng sản xuất, sửa chữa, nhà trọ, khu dân cư còn xập xệ…
Vì vậy, nếu công tác khoanh vùng dập dịch là công việc của ngành y tế, thì công tác dự phòng là công việc của toàn dân. Trong công văn chỉ đạo, UBND tỉnh đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, đoàn thể và mặt trận tổ quốc các cấp trong phòng chống sốt xuất huyết. Điều cần thiết lúc này là phát động toàn dân phòng trừ lăng quăng, bọ gậy, ngành y tế tăng cường phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền cho người dân nhận biết các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết để đến cơ sở y tế điều trị, không tự điều trị tại nhà.
Tháng 8 là giai đoạn thời tiết chuyển mùa với những đợt mưa dông và nắng nóng đan xen, thuận lợi cho muỗi phát sinh, và phát triển. Đây cũng là thời gian ngành giáo dục và đào tạo chuẩn bị bước vào năm học mới. Các nhà trường cần chủ động huy động học sinh, sinh viên làm tốt công tác vệ sinh trường học, các trường bán trú và nội trú cần đặc biệt lưu tâm đến các loại dụng cụ chứa nước như: bể cảnh, lọ hoa, vại nước và cống rãnh đọng nước.
Công tác phòng, chống sốt xuất huyết phải được các cấp chính quyền tích cực chỉ đạo sâu sát đến từng gia đình, khu dân cư, từng hộ kinh doanh trên địa bàn với sự tham mưu về chuyên môn của hệ thống YTDP. Được như vậy, chúng ta sẽ ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm này.
MINH HỒNG
Ý kiến ()