Kiểm soát chặt dịch bệnh trong chăn nuôi để bảo đảm sản xuất
Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trên động vật là việc then chốt để bảo vệ thành quả của người lao động. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường vào những tháng cuối năm.
Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi – Ảnh minh hoạ |
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, dịch cúm gia cầm xảy ra ở 29 tỉnh, thành phố, dẫn đến việc tiêu hủy 373.043 con; dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 50 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 93.216 con; dịch lở mồm long móng xảy ra ở 18 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 340 con; bệnh viêm da nổi cục, xảy ra ở 51 tỉnh, thành phố, tiêu hủy gần 25.000 trâu, bò, ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
Về thủy sản, tổng diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 16.253 ha, giảm 58,8% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, lên tới 15.698 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh COVID-19), các địa phương cần quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Thực tế cho thấy, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cạn đã tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Hiện, tổng đàn gia cầm là 515 triệu con, đàn lợn 26,67 triệu con, đàn trâu bò tăng 1,8%.
Mặc dù kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra vào các tháng cuối năm còn rất cao. Đặc biệt, là dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, bệnh trên tôm và cá tra.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục bùng phát mạnh. “Khi dịch bệnh xảy ra, người dân vẫn có tâm lý trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, hơn 90% nông hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn dịch bệnh nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn”, ông Đồng nói.
Tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết với số lượng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, Thanh Hóa xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh và các bệnh trên thủy sản. Tuy nhiên, để có cơ sở phát triển chăn nuôi bền vững thời gian tới, ông Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả vật tư trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Nêu ý kiến với các địa phương, ông Nguyễn Văn Long cho rằng: “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Bỏ một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe của người dân”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhờ có sự chủ động, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và trên thủy sản đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng đàn gia súc, gia cầm và quy mô thủy sản rất lớn nên ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng quan tâm.
“Đối với dịch tả lợn châu Phi, toàn ngành đã làm tốt công tác an toàn sinh học, tuy nhiên còn rất nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỉ lệ tiêu hủy tương đối lớn, gần gấp đôi năm 2020. Đối với gia cầm, ngoài chủng cũ cũng đã xuất hiện chủng mới như cúm A/H5N6, A/H5N8 nên số lượng tiêu hủy đến hơn 400.000 con”, Thứ trưởng nêu những con số cho thấy việc kiểm soát dịch vẫn cần được quan tâm hết sức.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp, cần chủ động phòng chống dịch bệnh tốt trên vật nuôi và thủy sản trong những tháng cuối năm, tổ chức sản xuất để đảm bảo lương thực từ nay đến cuối năm, đặc biệt chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Thứ trưởng nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn, giãn nợ, cơ chế chính sách để phục hồi sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho nông dân, người lao động làm trong các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ý kiến ()