Kiểm soát chặt để đào tạo lái xe thực chất
Thời gian gần đây, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại Hà Nội và nhiều địa phương đã cải tiến phương pháp đào tạo, với tình huống sát thực tiễn giao thông và ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm giám sát tất cả các khâu trong quy trình, đưa công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn Thủ đô thực chất hơn.
Sáng 4-7 vừa qua, tại buổi sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô-tô Ðức Thịnh (xã Nguyên Khê, huyện Ðông Anh) có khoảng 200 học viên. Trong hội trường có năm màn hình kết nối với hệ thống ca-mê-ra để các học viên theo dõi và giám sát các học viên khác đang trong quá trình sát hạch lý thuyết cũng như thực hành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Tại các khu vực như phòng thi lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, khu vực trước khi sát hạch lái xe ngoài đường trường đều bố trí tủ đựng đồ cá nhân, có nhân viên sử dụng máy dò thiết bị cầm tay rà soát từng học viên nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp sử dụng điện thoại, đồng hồ thông minh hoặc thiết bị nghe lén. “Việc này không chỉ hạn chế tiêu cực khi tham gia phần sát hạch lý thuyết mà còn giúp các học viên tập trung hơn khi thực hành lái xe. Việc sử dụng điện thoại khi đang lái ô-tô rất nguy hiểm, nhất là với những người mới học. Trên xe còn có ca-mê-ra để chụp ảnh ngẫu nhiên học viên để tránh trường hợp thi hộ” – Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô-tô Ðức Thịnh Nguyễn Ðức Hải giải thích. Theo Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Ðào Duy Phong, toàn thành phố hiện có 37 cơ sở đào tạo và 13 trung tâm sát hạch. Xác định việc này có ý nghĩa rất lớn trong hạn chế tai nạn giao thông, trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra cho nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ đỗ trên tổng số học viên tham gia sát hạch trung bình đối với ô-tô là 55%. Quy trình kiểm soát tại các trung tâm sát hạch trên địa bàn thành phố cũng tương tự như tại Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô-tô Ðức Thịnh.
Tại sân sát hạch lái xe trong hình, các học viên trải qua các phần thi như đề-pa lên dốc, qua ngã tư có đèn tín hiệu, ghép xe ngang vào nơi đỗ… với hệ thống cảm biến điện tử chấm điểm tự động. Vừa hoàn thành sát hạch với tổng số 95 trên 100 điểm, anh Vũ Ðình Trường (thôn Tiên Hùng, xã Nguyên Khê, huyện Ðông Anh) vui vẻ nói: “Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng nhưng lúc vào thi thấy tự tin hẳn. Tôi xác định học vì sự an toàn cho bản thân và cộng đồng nên luôn nghiêm túc ôn luyện”. Với mục tiêu loại bỏ tiêu cực, hạn chế thấp nhất sự can thiệp của con người, Hà Nội là một trong những số ít địa phương đi đầu cả nước ứng dụng khoa học – công nghệ vào giám sát công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Từ đầu tháng 9-2019, các trung tâm sát hạch trên địa bàn đã thực hiện truyền dữ liệu trực tuyến qua hệ thống ca-mê-ra theo quy định về Tổng cục Ðường bộ Việt Nam để giám sát.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Từ ngày 1-5 vừa qua, toàn bộ cơ sở đào tạo lái xe tại Hà Nội đã ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô-tô (trừ hạng B1) nhằm tăng cường quản lý; công khai thông tin và thời gian học, bảo đảm học đúng, học đủ số giờ theo quy định. Cùng với đó, Sở GTVT tăng cường thanh tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở đào tạo và sát hạch. Ðại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các kỳ thi sát hạch lái xe thời gian qua nhìn chung diễn ra nghiêm túc chặt chẽ, có thanh tra giám sát đột xuất các kỳ thi. Ðơn cử, về tính minh bạch của kỳ thi sát hạch lái xe bằng xe chip trong sân (bài thi sa hình) đều bảo đảm tính chính xác cao. Trước mỗi kỳ thi, hội đồng sát hạch kiểm tra điểm chuẩn có biên bản kèm theo, tất cả được đánh giá trên cơ sở thực chất năng lực của học viên, bởi mỗi kỳ thi có 300 đến 400 thí sinh, nếu không chính xác học viên sẽ thắc mắc ngay. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên cả nước, vẫn xảy ra tình trạng một số cơ sở đào tạo “khoán trắng” cho giáo viên, thầy dạy cắt xén, ăn bớt chương trình học. Nhiều học viên sau khi lấy được giấy phép lái xe B2 thừa nhận, vẫn không dám điều khiển xe đi ngoài đường, nhất là đường đông do thời gian thực tế lái trên đường quá ít.
Chị Nguyễn Hồng Trâm, một học viên cho biết: “Cả khóa học tôi chỉ được thầy cho đi dã ngoại một lần lên Sơn Tây, xe có hai học viên, mỗi người chia nhau lái một lượt, số giờ chạy ngoài quá ít. Vì thành tích, nhiều thầy không muốn mang tiếng có học sinh thi trượt nên tập trung luyện để có bằng trước, còn các kỹ năng xử lý thực tế trên đường lại học sau”. Ðại diện một hãng ta-xi cũng nhận xét, phần lớn thí sinh mới lấy bằng đều thiếu kinh nghiệm lái xe đường trường, các em chỉ được dạy cho kỹ năng qua bài thi, nên tuy có bằng lái nhưng nhiều em ngồi vào ghế lái là không tự tin.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, ngành GTVT đã quản lý sát hạch, cấp bằng lái xe được 25 năm; xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; quy trình quản lý trong đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe đáp ứng yêu cầu. Nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, hiện tại, vấn đề đào tạo, sát hạch đang được Bộ GTVT quản lý ổn định và phù hợp xu hướng của xã hội. Thêm vào đó, công nghệ thông tin đang phát triển, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp bằng lái, đăng kiểm, xử phạt,… nếu các cơ quan phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao. Ðầu ra về đào tạo lái xe của Việt Nam hoàn toàn bảo đảm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong sân sát hạch có đầy đủ các tình huống, được đánh giá chất lượng tốt.
Tổng kiểm tra các trung tâm đào tạo lái xe, đăng kiểm
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tổng kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên cả nước. Theo đó, yêu cầu Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và Cục Ðăng kiểm Việt Nam kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, tổ chức hậu kiểm, phúc tra kết quả kiểm định xe cơ giới nhằm kịp thời phát hiện, xử nghiêm sai phạm (nếu có). Ðồng thời, khẩn trương xây dựng quy chuẩn ca-bin học lái xe ô-tô, phần mềm mô phỏng tình huống giao thông để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; thí điểm xây dựng dịch vụ công mức độ 4 về đổi bằng lái quốc gia tại Hà Nội và Hà Nam, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()