Kiểm soát chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường
Lạm phát năm 2023 đã được kiểm soát, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra, là một dấu ấn trong chuỗi thành công của công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây. Ðiều này càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát tăng cao.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Winmart ở quận Sơn Trà, thành phố Ðà Nẵng. (Ảnh TUỆ NGHI) |
Năm 2023, tình hình giá cả khá ổn định, không có các cú sốc về giá. Ðáng lưu ý, hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa, dịch vụ trong nước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một số mặt hàng đặc thù dịp Tết đã tăng giá.
Giá một số loại hàng hóa tăng nhẹ
Dạo quanh thị trường hoa cây cảnh tại Hà Nội những ngày này, chị Phan Thị Bích Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trong mấy ngày còn nắng đẹp, giá cây cảnh và hoa chậu tuy đã giảm nhưng vẫn tăng tới hơn 20% so với năm trước. Các tiểu thương chợ hoa Hoàng Hoa Thám cho biết, năm nay hoa đẹp, quất đẹp với quả to, sáng đều, cây khỏe, nhưng giá buộc phải tăng hơn bởi giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ trong năm.
Tuy nhiên, số lượng hàng hóa năm nay đã tiết chế hơn khi người sản xuất và người bán đều e ngại sức mua thấp do khó khăn về kinh tế. Thị trường chợ truyền thống và online đều không có tình trạng nhập hàng quá nhiều, hình thức bán hàng nhận cọc trước trả hàng sau khá phổ biến. Tại các siêu thị, sức mua vẫn chưa có gì nổi bật và sự e ngại về mức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết đã dần hiện rõ.
Trên thị trường năm nay đã xuất hiện nhiều mặt hàng độc và lạ, giá lại tương đối dễ chịu, như: mặt hàng cúc mâm xôi Hàn Quốc, các loại quả trưng Tết đẹp như bưởi Diễn, bưởi đỏ, vú sữa tím.
Những điểm tích cực đó hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát vĩ mô. Ðồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt việc điều chỉnh tăng giá với mức độ, thời điểm hợp lý đối với một số mặt hàng Nhà nước định giá đang bị hoãn, chậm tăng giá theo lộ trình, như giá vé máy bay nội địa, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, học phí và giá điện, cũng góp phần ổn định giá cả dịp Tết.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2023, các yếu tố tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là: giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, gạo và điện, dịch vụ y tế. Trong số các mặt hàng này, có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết, như: thực phẩm, giải trí và du lịch; có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới, như: vật liệu xây dựng, gạo và nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý như: điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… đã được điều chỉnh theo lộ trình.
Các yếu tố chính làm giảm CPI, bao gồm: giá nhiên liệu là xăng dầu và gas, là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới. Tính đến ngày 29/12/2023, liên Bộ Công thương-Tài chính đã có 37 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó, mặt hàng xăng mới có 5 lần và dầu chỉ có 4 lần chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Kiểm soát tốt diễn biến giá
Bên cạnh yếu tố làm tăng/giảm CPI nêu trên, công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ là một nhân tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Công tác này luôn được thực hiện chủ động, linh hoạt, quyết liệt, góp phần bình ổn giá, hạn chế tác động tiêu cực của mặt bằng giá đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Ngay từ đầu năm, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Bộ Tài chính cho biết, công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua rất quan trọng, đóng góp vào thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định các tác động từ tình hình dịch bệnh và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến thị trường trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm. Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả hướng đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng.
Ðể chủ động ứng phó với nhiều yếu tố bất lợi trong năm 2024, việc kế thừa kinh nghiệm trong những năm qua cần được phát huy hơn nữa, trong đó, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá ban hành những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ.
Việc dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn cần được xác định là các nội dung ưu tiên trọng tâm để xử lý kịp thời các chính sách về giá, cũng như các biện pháp bình ổn giá. Bên cạnh đó, cần chủ động tổ chức triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu nhằm góp phần khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm.
Năm 2024, nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước là bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, biến động địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ lan rộng. Trong đó, Bộ Tài chính cần chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp; giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương…; điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()