Kiểm soát chặt chất lượng nông sản nhập khẩu
LSO-Hai tháng đầu năm 2018, có gần 70 nghìn tấn nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn, trong đó, 95% nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Nhằm đảm bảo hoa quả nhập không tồn dư chất độc hại, cơ quan kiểm dịch thực vật tăng cường kiểm soát chất lượng mặt hàng này.
Cán bộ kiểm dịch thực vật kiểm dịch hoa quả qua cửa khẩu Tân Thanh |
Bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Những ngày sau tết, nông sản nhập khẩu chủ yếu là: táo, lê, quýt và khoai tây củ, hành tỏi, lạc nhân khô… Qua kiểm tra, các mẫu đều đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Quy trình lấy mẫu kiểm tra và phân tích đều được thực hiện đúng quy định, sau khi đạt thì lô hàng đó mới được thông quan. Riêng đối với hoa quả tươi nhập khẩu, việc kiểm dịch phải tiến hành 2 nghiệp vụ kiểm tra là kiểm dịch thực vật để phát hiện mầm dịch bệnh và kiểm tra an toàn thực phẩm với hàng hóa có nguồn gốc thực vật (chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản có nằm trong danh mục cấm hay vượt ngưỡng cho phép hay không). Tại cửa khẩu Tân Thanh, hiện việc kiểm tra chất lượng nông sản nhập khẩu chủ yếu là kiểm tra nhanh và chỉ sau 20 phút là có kết quả. Nếu lô hàng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, đạt yêu cầu nhập khẩu thì hải quan sẽ cho thông quan.
Trao đổi về kiểm soát chất lượng nông sản, trong đó chủ yếu là hoa quả tươi nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đơn vị quản lý địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2017, đơn vị kiểm tra gần 90 nghìn tấn nông sản nhập khẩu, tỷ lệ mẫu kiểm tra đạt 100%. Không chỉ kiểm tra tại cửa khẩu, đơn vị đã lấy 371 mẫu gửi về Cục Bảo vệ thực vật để kiểm tra và các mẫu này đều đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Năm 2017, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh không để lọt bất cứ một lô hàng nào không đảm bảo chất lượng vào nội địa. Qua kiểm tra, tuy chưa phát hiện lô hàng nào có dư chất bảo quản ngoài quy định, nhưng một số lô hàng nông sản, trong đó có hoa quả tươi không chứng minh được vùng sản xuất, đơn vị đã phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện tái xuất những lô hàng đó.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, từ nay đến cuối năm 2018, lượng nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo nông sản nhập vào thị trường trong nước không có những chất bảo quản, chất tồn dư độc hại, lực lượng kiểm dịch thực vật sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quan tăng lượng kiểm tra thực tế đối với mặt hàng này. Cụ thể, đối với những lô hàng hoa quả tươi nhập khẩu, lực lượng hải quan sẽ kiểm soát về xuất xứ, địa chỉ cụ thể vườn trồng, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để các cơ quan chức năng của Việt Nam tiện quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng trong trường hợp cần thiết.
Để được thông quan vào Việt Nam, doanh nghiệp nhập hoa quả bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn, không có mầm bệnh, dịch hại cũng như hóa chất độc hại. Nếu phát hiện lô hàng không đảm bảo thì lực lượng hải quan lập tức giữ lại. Ngoài ra, về phương diện kỹ thuật, bất cứ lô hàng nông sản nhập khẩu nào sau khi cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra mà phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản độc hại, cơ quan kiểm dịch sẽ không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đồng thời thông báo với lực lượng hải quan để buộc tái xuất lô hàng đó.
Theo thông lệ quốc tế, hằng năm, các nước xuất khẩu nông sản sang Việt Nam đều cung cấp cho cơ quan kiểm dịch nước ta danh mục các thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại nước họ. Căn cứ danh mục này, cơ quan kiểm dịch sẽ trang bị thiết bị kiểm tra chuyên dụng để kiểm tra đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật đó. Đây chính là lý do giúp việc kiểm dịch chất lượng nông sản nhập khẩu càng được thực hiện tốt hơn. Cùng với đó, sự kiểm soát quyết liệt của cơ quan kiểm dịch thực vật cũng đóng góp vào việc đảm bảo an toàn nguồn nông sản nhập khẩu.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()