Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa lưu thông tại các chợ nông thôn
– Toàn tỉnh hiện có 62 chợ nông thôn, thời gian qua, một số đối tượng đã trà trộn, mang hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đến bán tại các chợ cụm xã, chợ xã…
Ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội QTLL số 4 cho biết: Đơn vị được giao phụ trách địa bàn 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng, thời gian này, qua công tác nghiệp vụ, đội phát hiện một số đối tượng mang hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc đến một số chợ xã, chợ cụm xã, nhất là vào những ngày chợ phiên để bán cho bà con. Trước tình hình đó, đội đã cử các tổ công tác bám sát địa bàn, tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ xã, chợ cụm xã. Qua kiểm tra, từ giữa tháng 8/2022 đến nay (tính đến 21/9/2022), đội đã phát hiện và xử lý 19 cơ sở, cá nhân kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá bán hàng hóa… tại những chợ này.
Đội QLTT số 7 kiểm tra cơ sở kinh doanh tại chợ Thất Khê (Tràng Định)
Ngoài Đội QLTT số 4, thời gian qua, các đội QLTT khác cũng tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các chợ xã, chợ cụm xã trên địa bàn quản lý. Theo số liệu thống kê của Cục QLTT tỉnh, chỉ tính từ ngày 15/8/2022 đến ngày 21/9/2022, qua kiểm tra hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa tại các chợ xã, chợ cụm xã, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 63 cơ sở, cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa quá hạn sử dụng…
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Để đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông tại các chợ nông thôn, thời gian qua, cục đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm soát thị trường tại các chợ xã, chợ cụm xã. Trong đó, tăng tần suất kiểm tra thường kỳ, cũng như kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh cố định tại chợ, sử dụng biện pháp nghiệp vụ để giám sát, kiểm tra các cá nhân kinh doanh lưu động tại các chợ. Mặt hàng được kiểm tra, kiểm soát chủ yếu là hàng hóa đóng gói, hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm…
Theo số liệu của Cục QLTT tỉnh, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/9/2022, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 529 vụ việc (tăng 105 vụ so với cùng kỳ năm 2021) các cá nhân, cơ sở kinh doanh bán hàng tại chợ thị trấn, chợ xã vi phạm về việc bán hàng không rõ nguồn gốc, bán hàng không niêm yết giá, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng quá hạn sử dụng… Ngoài ra, lực lượng QLTT đã tổ chức 3 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả tại các chợ khu vực nông thôn. Cùng đó, lực lượng QLTT tỉnh cũng tổ chức cho các cơ sở, hộ kinh doanh ký cam kết về niêm yết giá đầy đủ, bán đúng giá niêm yết, bán hàng hóa phải có đủ chứng từ nguồn gốc và đảm bảo chất lượng.
Bà Hà Thị Duyên, chủ cơ sở kinh doanh quần áo, giầy dép, hàng tạp hóa tại chợ Pắc Khuông (xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia) cho biết: Chợ Pắc Khuông được họp theo phiên 5 ngày một lần (ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hằng tháng). Do đó, bà con đến chợ trao đổi, mua bán hàng hóa rất đông. Được sự nhắc nhở, tuyên truyền của cán bộ QLTT, của xã, cơ sở tôi đều bán những mặt hàng có xuất xứ rõ ràng, có ngày sản xuất và bán giá đúng với giá niêm yết của nhà sản xuất.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết thêm: Qua nắm bắt tình hình thực tế và những diễn biến phức tạp của thị trường từ nay đến cuối năm 2022, cục đã chỉ đạo các đội QLTT theo dõi sát tình hình diễn biến cung cầu hàng hóa và giá bán hàng hóa tại các chợ nông thôn. Trọng tâm là thực hiện kiểm tra nhãn hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa đối với các mặt hàng đóng bao, đóng gói sẵn, các mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng thực phẩm… Bên cạnh việc tăng tần suất kiểm tra, vào các phiên họp chợ xã, chợ cụm xã, các đội QLTT phụ trách địa bàn sẽ bố trí ít nhất 1 cán bộ QLTT phối hợp chính quyền cơ sở, ban quản lý chợ thực hiện giám sát chất lượng hàng hóa bày bán.
Có thể thấy, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa tại các chợ nông thôn. Tuy vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn, thời điểm này, nhiều cá nhân ở nơi khác mang hàng hóa đến các chợ nông thôn kinh doanh theo kiểu “lưu động”, khiến công tác kiểm tra, xử lý và xác minh đối tượng vi phạm khó khăn. Vì vậy, bà con Nhân dân nên lựa chọn mua sắm ở những cở sở có địa chỉ rõ ràng, tốt nhất là mua hàng tại những đại lý trực thuộc những cơ sở phân phối hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()