Kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu
LSO-Trước thực tế, nhiều trường hợp ở các địa phương bị ngộ độc rượu thời gian qua, để địa bàn tránh được tình trạng này, Lạng Sơn đã, đang và tiếp tục tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh bia rượu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ngày 14/3/2017, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào bị ngộ độc rượu, nhưng nhằm bảo đảm an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu, Chi cục QLTT đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các đội QLTT đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Từ cuối tháng 3/2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu, xử lý gần 150 chai rượu các loại không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác. Cùng đó là thực hiện vận động trên 200 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu ký cam kết không sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp để sản xuất rượu; không bán rượu không rõ nguồn gốc, rượu nhập lậu.
Việc kiểm tra thời gian vừa qua mới chỉ là bước rà soát theo lĩnh vực QLTT. Bắt đầu từ ngày 17/4/2017, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác thực hiện tổng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nơi triển khai đầu tiên là địa bàn thành phố, sau đó sẽ là các huyện. Không chỉ kiểm tra các đại lý, cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ rượu để giám sát về nguồn gốc, mà trong các đợt tổng kiểm tra này, lực lượng QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, đặc biệt là Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng để thực hiện kiểm tra nhanh ngay tại cơ sở, trước tiên là đo xem nồng độ methanol có trong tiêu chuẩn cho phép hay không.
Ông Bùi Minh Tấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất rượu vùng cao Mẫu Sơn cho biết: Trên địa bàn tỉnh có một số xã bà con thường sản xuất rượu theo phương pháp truyền thống. Các hộ nấu rượu đăng ký trong hiệp hội đều đã cam kết thực hiện đúng quy cách, không sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu chủ yếu là gạo và men lá, do vậy, nồng độ methanol trong rượu không cao. Theo ông Tấn, để kiểm soát chặt chất lượng của sản phẩm rượu thì cần phải kiểm soát từ gốc. Tức là không chỉ kiểm soát trên thị trường mà kiểm soát từ các cơ sở nấu rượu với số lượng lớn, cũng như kiểm soát chặt khâu đóng chai, dán nhãn mác…
Lạng Sơn là một trong những địa phương có nhiều loại rượu đang được sản xuất, kinh doanh. Thống kê sơ bộ, hiện có khoảng gần 10 sản phẩm rượu đóng chai do các doanh nghiệp tại tỉnh sản xuất. Do đó, để quản lý an toàn đối với sản phẩm rượu, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra và giám sát các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu trên địa bàn.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()