Kiểm soát, bình ổn giá mặt hàng thiết yếu đối phó với dịch bệnh
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý 1 này.
Theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu CPI dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, mỗi tháng còn lại trong năm CPI (11 tháng) sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.
Bộ Tài chính cho biết, nếu mặt bằng giá chung không có biến động lớn, giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý tiền lương, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình đã được đề ra trong kịch bản từ đầu năm, phải kiểm soát chặt chẽ mặt bằng giá của quý 1; giảm CPI tháng Hai này và tháng Ba tới; trong đó chủ yếu tập trung vào việc điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, thịt lợn và phải tính đến yếu tố thị trường là giá gas , mặt hàng ăn uống ngoài gia đình sau Tết.
Đối với mặt hàng thịt lợn , Bộ Tài chính cho rằng cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Chính phủ chỉ đạo để điều hành cung cầu kéo mặt bằng giá giảm ngay trong tháng Hai này và tháng Ba tới.
Theo tính toán của Bộ Tài chính , nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng Hai này sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,67% và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%; nếu giá thịt lợn giảm thêm 8-10% trong tháng Ba tới sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần làm tốt các biện pháp điều hành cung-cầu giúp giá thịt lợn hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý 1 này.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng cho rằng, bên cạnh việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá quý này phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, bao gồm cả các loại thuốc phục vụ cho phòng chống dịch, tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, tập trung đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh thông qua đó điều tiết mức giảm giá bán phù hợp.
Trường hợp cần thiết căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.
Về thuế với những mặt hàng vật tư y tế, máy móc thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Bộ Tài chính cho biết hiện thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị, dịch truyền, vật tư y tế trong nước chưa sản xuất được thì thuế nhập khẩu 0%.
Còn một số vật tư y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, vải không dệt, găng tay trong nước đã sản xuất được thì thuế nhập khẩu từ 5-30%. Để phục vụ chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn tiếp theo, dự báo Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
Mặt khác, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.
Với các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phải có đánh giá tổng thể về nhu cầu hiện nay của các cơ sở sản xuất, nguồn cung thực tế trên thị trường trong ngắn hạn để triển khai ngay các biện pháp cân đối cung cầu.
Một mặt có giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để thay thế, đẩy mạnh tìm kiếm và nhập khẩu từ các thị trường khác, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến nhanh quá trình nhập khẩu đảm bảo phục vụ đủ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ tình hình thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc quản lý điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành địa phương cần quyết liệt triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban điều hành giá.
Bộ Công Thương cần theo dõi sát giá xăng dầu thế giới để dự báo các diễn biến, trên cơ sở đó sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu; tăng cường quản lý giá nhà nước đối với mặt hàng gas.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường việc tiếp nhận kê khai giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kê khai của doanh nghiệp để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý./.
Ý kiến ()