Kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường
Trước sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu cũng đang có xu hướng tăng trong những ngày qua. Tuy nhiên, theo bạn đọc phản ánh, hiện đang có tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng giá bất hợp lý, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Sau nhiều lần liên tục leo thang kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử; trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng 30 nghìn đồng/lít. Giá xăng tăng, khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá, thiết lập mặt bằng giá mới. Tính toán lại chi tiêu của gia đình trong một tuần qua, chị Trần Hiền ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, từ tiền đổ xăng, đi chợ hằng ngày, đến các dịch vụ khác đều tăng giá. Giá các mặt hàng rau, củ liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt: “Bình thường, tôi đi đổ xăng, chỉ hết 100 nghìn đồng/bình để đi trong tuần, giờ phải mất 120 nghìn đồng. Đi chợ thì các loại rau xanh, thịt lợn, bò, tôm, cá, dầu ăn, đường, mắm… đều tăng. Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần tôi phải chi thêm khoảng 450-500 nghìn đồng, trong khi thu nhập vẫn vậy. Dù đã cố co kéo chi tiêu nhưng thấy khá áp lực”, chị Hiền cho biết. Do sức ép giá thực phẩm tăng, cộng với giá ga “phi mã”, một số chủ quán ăn cho biết, họ đang tính toán đến việc tăng giá bán để duy trì hoạt động cửa hàng… Bà Bùi Thị Hồng, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, mối buôn các mặt hàng mì ăn liền, dầu ăn, bia… liên tục báo tăng giá. Họ bảo do xăng dầu tăng giá, nên giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán cũng phải tăng. Giá nhập vào tăng nên buộc phải điều chỉnh giá bán ra nếu không sẽ không có lãi. Thật sự tôi cũng không muốn tăng giá, vì giá tăng thì bán chậm, trong khi thu nhập người dân không tăng, nên nhiều người phải cắt giảm chi tiêu”.
Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua đã khiến cho nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo và thiết lập mặt bằng giá mới. Vấn đề tăng giá hàng hóa thiết yếu hiện nay sau khi xăng dầu tăng giá mạnh và liên tục đã trở thành nỗi lo của người tiêu dùng. Bởi lẽ từ quả trứng, mớ rau đến cân thịt, con gà, con cá… đều đã đua nhau tăng giá. Theo nhiều người lao động, một suất cơm bình dân hiện tại cũng đã tăng vài nghìn đồng, có nơi tăng thêm đến 5.000 đồng. Nhiều mặt hàng trên thị trường đã được đẩy giá lên tăng theo giá xăng dầu, trong đó phổ biến là nhóm các mặt hàng thiết yếu. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng và đời sống của nhiều người dân.Trong khi đó, do tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua và cả hiện nay, đã làm cho công việc, thu nhập của người lao động bị giảm sút, nhất là những lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách. Điều này cũng đang làm cho sức mua của thị trường giảm sút, vốn trước đó đã bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Như vậy cũng đồng nghĩa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, tới nền kinh tế…
Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến đời sống sản xuất mà với mức tăng cao còn có nguy cơ kéo theo hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý để trục lợi. Do vậy, bên cạnh các chính sách, biện pháp điều hành ở tầm vĩ mô như giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu để kéo giảm giá mặt hàng chiến lược này ở mức hợp lý, thì chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm là giá dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải và các mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó là khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất, nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường trong nước nhằm giảm bớt áp lực lạm phát. Ngoài ra, cần khuyến khích người dân tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý, chỉ tập trung mua sắm với những mặt hàng thiết yếu, loại bỏ tâm lý tích trữ hàng hóa mới mong không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm giá cả thị trường, tăng giá không có cơ sở, lý do chính đáng, bán hàng không niêm yết giá để góp phần ổn định thị trường, gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng…
Để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ được giá thành ổn định nhất.
Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội
Theo Nhandan
Ý kiến ()