Kiểm soát biên giới - rào cản của khu vực Schengen
Với lý do lo ngại về làn sóng di cư hoặc khủng bố, nhiều quốc gia trong khu vực Schengen đã thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới. Điều này gây trở ngại cho việc di chuyển ở châu Âu cũng như ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-thương mại trong khu vực.
Theo trang tin Euractiv.com, vào năm 1995, châu Âu đã thành lập khu vực không biên giới-Schengen. Tên của khu vực này được đặt theo Hiệp ước Schengen ký năm 1985 tại thị trấn Schengen, Luxembourg. Khu vực Schengen bãi bỏ kiểm soát quản lý biên giới, cho phép các công dân di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên mà không cần thị thực. Ủy ban châu Âu (EC) gọi đây là “viên ngọc quý của sự hội nhập châu Âu”. Sau khi Croatia gia nhập vào đầu năm 2023, danh sách thành viên khu vực Schengen tăng từ 26 lên 27 quốc gia. Trong đó, có 23 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 4 quốc gia không thuộc EU gồm: Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Việc người dân được miễn thị thực khi di chuyển khắp châu Âu đã trở thành một tiêu chuẩn trong suốt hai thập kỷ. Tuy nhiên, năm 2015 diễn ra cuộc khủng hoảng di cư lớn ở châu Âu. Từ thời điểm đó, thách thức đối với những giá trị của Schengen đã gia tăng khi nhiều quốc gia tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới. Ngày nay, bất cứ ai qua lại các quốc gia châu Âu có thể bị dừng lại hơn chục lần do một số quốc gia từ chối duy trì quy định của khu vực Schengen. Khi di chuyển bằng tàu từ Áo sang Đức, người ta sẽ có cảm giác như Schengen chưa từng tồn tại. Lúc tàu tới biên giới, cảnh sát sẽ xuất hiện và tiến hành kiểm tra. Mỗi cuộc kiểm tra biên giới càng làm xói mòn một trong những dự án hàng đầu của châu Âu.
Binh lính Ba Lan canh gác tại một trạm kiểm soát ở biên giới Slovakia-Ba Lan. Ảnh: Reuters |
Pháp đã lắp đặt các trạm kiểm soát ở biên giới của mình với lý do chống khủng bố. Trong khi đó, hầu hết các nước tăng cường kiểm soát biên giới do chịu áp lực về người di cư. Đức đang tăng cường kiểm soát biên giới với Áo. Ba Lan, Cộng hòa Séc và Áo đã thắt chặt biên giới với Slovakia nhằm hạn chế số lượng người di cư xâm nhập trái phép vào lãnh thổ của họ.
Slovakia cũng quyết định thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới với Hungary trong bối cảnh nước này đang tìm cách kiềm chế tình trạng di cư bất hợp pháp tăng cao. Những người di cư đến Slovakia qua hành lang Balkan từ Serbia xuyên qua Hungary. Sau khi vào Slovakia, họ sẽ tiếp tục hướng đến Đức và các quốc gia Tây Âu giàu có hơn. Chứng kiến những hình ảnh gần đây về hàng nghìn người di cư chủ yếu là thanh niên đến đảo Lampedusa của Italy, Áo cũng nhanh chóng tuyên bố rằng nước này sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra tại biên giới của mình với Italy. Các nước Bắc Âu cũng không ngoại lệ. Na Uy không phải là thành viên EU nhưng là một phần của khu vực Schengen, cũng đã tiến hành kiểm tra tại các thành phố cảng. Thụy Điển hiện đang tăng cường an ninh ở tất cả biên giới của mình.
Trước tình hình này, ông Sergio Carrera, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cho biết: “Những gì chúng tôi đang chứng kiến là một nhóm các quốc gia thành viên không tuân thủ quy định chung”. Theo ông Carrera, việc các quốc gia trong Schengen tăng cường kiểm soát biên giới lẫn nhau đi ngược lại ý tưởng về một khu vực tự do đi lại. Về phần mình, ông Leon Züllig, một nhà nghiên cứu về Schengen tại Đại học Giessen (Đức) nhận định: “Schengen đang bị hủy hoại”.
Việc các nước trong khu vực Schengen siết chặt kiểm soát biên giới gây ra sự chậm trễ trên mỗi hành trình và gia tăng chi phí do quá trình vận chuyển hàng hóa bị chậm lại. Nhấn mạnh tác động kinh tế của việc kiểm soát biên giới, nhà kinh tế cấp cao Elisabeth Christen tại Viện Nghiên cứu kinh tế Áo cho biết: “Đối với mỗi cửa khẩu biên giới trong khu vực Schengen, lưu lượng hàng hóa song phương giảm 2,7%”. Các đại diện doanh nghiệp Đức cũng đưa ra chỉ trích với quyết định áp dụng kiểm tra biên giới vì lo ngại biện pháp này tác động tiêu cực đến nền kinh tế và gây gián đoạn hoạt động thương mại trong khu vực Schengen. Trong khi đó, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Erik Marquardt nhận định, ngoài việc gây chậm trễ, các biện pháp kiểm soát biên giới ở Schengen có rất ít tác động hữu hình. “Không thể hồi hương bất kỳ người tị nạn nào, cảnh sát biên giới chỉ có thể tiếp nhận đơn xin tị nạn”, ông Marquardt nêu rõ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/kiem-soat-bien-gioi-rao-can-cua-khu-vuc-schengen-748240
Ý kiến ()