Kiểm soát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
(LSO) – Nhằm quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được Chi cục quan tâm và thực hiện thường xuyên, định kỳ tại 11 huyện, thành phố. Trong đó, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu và các khâu sản xuất, chế biến tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì tần suất và số lượng mẫu được giám sát càng cao. Đối với các mẫu không đạt quy định, chi cục gửi thông báo đến từng cơ sở, yêu cầu cơ sở truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, chi cục thực hiện lấy mẫu giám sát đối với nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn. Qua kết quả giám sát đều cho thấy tỷ lệ mẫu đạt cao. Trong đó, thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với 890/914 mẫu rau đạt quy định, 38/38 mẫu chè tươi và chè khô đạt quy định, 140/140 mẫu quả các loại đạt theo quy định. Giám sát chất cấm trong thịt và các sản phẩm từ thịt được 522 mẫu…
Rau an toàn của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương được bày bán tại ki ốt rau an toàn, chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn
Bên cạnh đó, chi cục đã tổ chức thanh, kiểm tra được trên 270 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Cùng với thanh, kiểm tra, chi cục lồng ghép tuyên truyền về đảm bảo ATTP, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất trong việc chấp hành các quy định về ATTP, tạo ra sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sản phẩm nông sản.
Bà Dương Thị Oai, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả sạch Tân Liên (huyện Cao Lộc) cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh ATTP, HTX thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình sản xuất. Việc ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch sản phẩm đều được giám sát cụ thể. Hằng tháng, Chi cục QLCLNLS&TS đều đến lấy mẫu giám sát 2 lần, qua kết quả giám sát, sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã đều đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS, thời gian tới, chi cục tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong các công đoạn từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến bảo quản và kinh doanh. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo ATTP; mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, tem truy xuất.
Trong 5 năm qua, Chi cục QLCLNLS&TS tổ chức được trên 56 lớp tập huấn về công tác quản lý chất lượng ATTP, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP, quy trình sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp ATTP cho trên 2.670 học viên tham gia; in và cấp phát trên 65.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền về ATTP nông lâm thủy sản cho các cơ sở có địa điểm cố định và cơ sở sơ chế nhỏ lẻ. |
Ý kiến ()