Kiểm soát an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán
Hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị các loại thực phẩm đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.
Đây cũng là thời điểm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trà trộn vào thị trường, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mới đây, các cơ quan chức năng huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã kiểm tra, phát hiện một xe ô-tô chở 25 hộp bánh kẹo, ba tấn mạch nha và gần ba tấn hạt hướng dương, với tổng giá trị hàng hóa lên đến 80 triệu đồng, nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo các chuyên gia về ATTP, Tết đến, nhu cầu các loại thực phẩm của người dân thường tăng đột biến, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Sau Tết Nguyên đán, tại nhiều địa phương thường diễn ra các lễ hội mùa xuân, thu hút hàng nghìn người tham gia. Do vậy, dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội thường gia tăng, nhưng chủ yếu mang tính thời vụ, tự phát, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết khu vực phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng gay gắt, là những yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng ATTP và nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Để bảo đảm chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại các cấp. Quá trình kiểm tra tập trung chủ yếu vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội; các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở dịch vụ ăn uống vừa và nhỏ phục vụ tại các khu vực lễ hội xuân. Ngay từ bây giờ, UBND các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách cụ thể các cơ sở hiện đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ gia, ghi nhãn thực phẩm, quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm…
Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cửa khẩu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới; thường xuyên lấy mẫu, xét nghiệm sớm để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP và công khai các vi phạm, kết quả xử lý tổ chức, cá nhân để cảnh báo cộng đồng. Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo đảm ATTP, tránh tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm”. Đồng thời, biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định về ATTP… Tất cả các biện pháp nêu trên nhằm ngăn chặn kịp thời các loại sản phẩm thực phẩm không an toàn, bảo đảm người dân đón Tết và lễ hội xuân an toàn, yên vui.
Theo Nhandan
Ý kiến ()