Kiểm soát an toàn rau, quả đang có bước chuyển nhanh và bền vững
Cán bộ Chi cục BVTV vùng 8 làm xét nghiệm nhanh với rau, quả. Vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Vì vậy, sau khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, ngành bảo vệ thực vật đã được đầu tư các trung tâm xét nghiệm hiện đại để kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại rau, củ, quả, bảo đảm sức khỏe nhân dân và hàng xuất khẩu.Thực tế việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề khó và phức tạp, vì vậy Luật ATTP đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành liên quan để hướng tới kiểm soát chất lượng thực phẩm theo chuỗi "từ trang trại tới bàn ăn". Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được giao trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước về ATTP từ "nông trại đến chợ" đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật sản xuất trong nước và kiểm tra ATTP đối với hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, do các ngành chức năng khác không có "quân" và chuyên...
Cán bộ Chi cục BVTV vùng 8 làm xét nghiệm nhanh với rau, quả. |
Thực tế việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề khó và phức tạp, vì vậy Luật ATTP đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành liên quan để hướng tới kiểm soát chất lượng thực phẩm theo chuỗi “từ trang trại tới bàn ăn”. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được giao trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước về ATTP từ “nông trại đến chợ” đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật sản xuất trong nước và kiểm tra ATTP đối với hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, do các ngành chức năng khác không có “quân” và chuyên môn tại các cửa khẩu. Sau hơn một năm triển khai thực hiện luật này, ngành BVTV đã được đầu tư hệ thống phòng kiểm nghiệm khá đồng bộ và hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới và đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về ATTP.
Các chi cục vùng tại các cửa khẩu trên cả nước đã được trang bị các phòng xét nghiệm nhanh, cho phép sau hai đến ba giờ xác định được ngưỡng an toàn của rau, củ, quả, để cấp giấy chứng nhận nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt là hai trung tâm xét nghiệm đặt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có khả năng phát hiện hàng trăm loại hoạt chất khác nhau, để cho kết quả cụ thể rau quả nhiễm độc tố gì và vượt ngưỡng cho phép bao nhiêu phần trăm. Từ đó đưa ra những cảnh báo, những bằng chứng khoa học cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc thực vật…
Cung cách kinh doanh rau, quả nhập khẩu đã thay đổi
Ngoài quy định về nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (phụ trách sáu tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên) đã đưa vào hoạt động thí điểm các bộ xét nghiệm nhanh (test kit) để kiểm tra toàn bộ lượng hàng hóa rau, quả nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7-2012. Chi Cục trưởng Chi cục KDTV vùng 8 Nguyễn Văn Tuân cho biết, công cụ này không những giúp kiểm soát tốt rau quả nhập khẩu, mà còn giúp thay đổi nhận thức và cung cách kinh doanh nơi vùng biên mậu.
Từ nhiều năm nay, chị Hoàng Minh Hà vẫn thường gọi điện thoại cho các bạn hàng ở nước ngoài để đặt mua rau, củ, quả, mang về bán tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Nhưng từ tháng 7-2012, khi Chi cục KDTV vùng 8 tiến hành xét nghiệm nhanh về ATTP đối với tất cả các mặt hàng rau, củ, quả nhập qua cửa khẩu Lào Cai, thì một lô khoai tây của chị đã bị phát hiện có sâu, không bảo đảm VSATTP. Vậy là lô hàng trị giá hơn 50 triệu đồng đã bị cơ quan chức năng buộc tiêu hủy. Ngoài việc mất tiền hàng, chi phí cho vận tải và tiêu hủy, cái mất lớn nhất là uy tín kinh doanh mà chị Hà đã gây dựng được từ nhiều năm nay.
Kể từ đó, chị Hà phải sang tận nơi xuất hàng ở nước bạn để kiểm tra chất lượng hàng, yêu cầu các bạn hàng cam kết về chất lượng theo Luật ATTP của Việt Nam, rồi mới thuê xe chở đến cửa khẩu để kiểm nghiệm thông quan. Chị Hà nói: “Từ khi có quy định về kiểm tra ATTP đối với hàng rau, quả nhập qua biên giới, ban đầu bọn tôi cũng thấy lo, vì sợ mất thêm nhiều thời gian sẽ khiến rau, quả tươi nhanh bị hư hỏng. Nhưng thực tế việc kiểm tra ATTP được làm song song với các thủ tục hải quan nên chỉ mất có hai giờ đồng hồ là hàng của chúng tôi được thông quan, nếu không gặp vấn đề gì”. Chị nói thêm: “Việc xét nghiệm cũng tốt vì giúp những người kinh doanh và các bạn hàng yên tâm về chất lượng hàng nhập”.
Chị Phạm Thị Dung là một trong những chủ hàng kinh doanh xuất và nhập khẩu rau, quả lớn nhất tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) từ hơn mười năm nay, với số lượng xuất nhập khẩu mỗi ngày lên đến vài trăm tấn. Chị Dung cho biết, chị chọn mua rau, quả tại những vùng sản xuất đã được các cơ quan chức năng Việt Nam công nhận, nhưng vẫn phải đích thân sang kiểm tra tận nơi trước khi ký hợp đồng mua hàng. Những hàng rau, quả xuất sang Trung Quốc, cũng như nhập về Việt Nam đều phải làm các xét nghiệm về ATTP của cả hai nước, rồi mới được thông quan.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV vùng 7 Nguyễn Thị Hà (phụ trách bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên) cho biết, phía Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra ATTP đối với hàng xuất khẩu rau quả của ta từ lâu. Còn ở Việt Nam, sau khi triển khai Luật ATTP có hiệu lực từ tháng 7-2011 thì đến tháng 7-2012 tại các cửa khẩu đã được đầu tư các thiết bị để kiểm tra ATTP hàng rau, quả nhập khẩu. Cho đến thời điểm này, Chi cục BVTV vùng 7 mới phát hiện và xử lý một lô hàng vượt ngưỡng an toàn. Cũng trong khoảng thời gian này, Chi cục vùng 8 đã phát hiện và không cho phép thông quan tám lô hàng có nguy cơ mất ATTP, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng nước bạn để xử lý. Mặc dù số hàng bị phát hiện có nguy cơ mất ATTP chỉ chiếm dưới 1% tổng lượng rau, quả nhập khẩu qua Lào Cai, nhưng khi tiến hành các xét nghiệm nhanh đã có những tác động tích cực đến những người chuyên kinh doanh mặt hàng rau, quả. Chi Cục trưởng Nguyễn Văn Tuân đánh giá: “Quy định này của chúng ta đã làm thay đổi cung cách kinh doanh của cả người bán bên nước bạn và những chủ hàng phía ta. Họ đều phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, vì nếu không họ sẽ chịu thiệt hại không nhỏ”. Ông Tuân cũng cho biết, khi vấn đề về chất lượng hàng hóa được đưa vào kiểm soát chặt chẽ, thì ngay cả những người sản xuất cũng phải ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV cho đến bao gói, vận chuyển để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về ATTP của chúng ta.
Tại Kỳ họp thứ tư, Khóa XIII của Quốc hội vừa qua, Đại biểu QH Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bày tỏ lo ngại: Phải chăng hàng hóa Việt xuất đi các nước khác phải “trầy vi tróc vẩy”, chịu đựng hàng trăm hình thức kiểm tra của nước ngoài, còn hàng hóa nước ngoài nhập vào ta, trong đó có quá nhiều hàng độc hại, lại được cho qua dễ dàng?
Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Thế giới họ kiểm tra rau, quả nhập khẩu như thế nào thì nước ta cũng đã có các hàng rào kỹ thuật kiểm tra như vậy. Việt Nam là nước đi sau nên học hỏi được nhiều, nên chỉ cần áp các tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật từ các nước vào ta. Trình độ chuyên môn của nước ta cũng không thua kém các nước khác. Về máy móc, thiết bị chúng ta cũng ngang ngửa với các nước tiên tiến”.
“Không có lý do gì để buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch hàng rau, củ, quả vì Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc đều đã ký kết nhập khẩu chính ngạch có mức thuế bằng 0. Nên nếu có nhập lậu thì số lượng cũng vô cùng nhỏ vì họ không có lãi, mà bị bắt thì thiệt hại lớn”. Ông Hồng nói thêm, hàng rau, quả tiểu ngạch có chăng chỉ được nhập vào qua đường du lịch hoặc người dân vùng biên qua lại mang về để ăn. Khác với buôn, bán động vật, các mặt hàng thực vật có giá trị thấp nên phải buôn bán với số lượng lớn, vì buôn nhỏ lẻ sẽ không có lãi. Được miễn thuế nhập khẩu, nên các doanh nghiệp đều nhập hàng với số lượng lớn và vận chuyển bằng xe tải lớn và được bao gói, bảo quản khá cẩn thận nên dễ kiểm soát.
Tuy nhiên, việc quản lý hàng thực vật nhập khẩu hiện vẫn dễ hơn quản lý hàng sản xuất trong nước vì lượng nhập khẩu so với tổng nguồn cung là không nhiều, lại tập trung.
Để kiểm soát tốt hơn nguồn rau quả nhập khẩu
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng vừa có công văn đề nghị Đại sứ quán các nước tại Việt Nam thông báo đến cơ quan có thẩm quyền về ATTP của nước mình, hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam theo quy định của Thông tư số 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, đến hết ngày 31-12, Việt Nam sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật từ các nước chưa gửi hồ sơ và chưa được xem xét công nhận được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Hiện, nước ta đang nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng đến nay mới chỉ có 13 nước được công nhận được phép xuất khẩu các mặt hàng này.
Thực tế, Việt Nam là nước xuất siêu về hàng rau, quả, lại có vùng biên giới trải dài với nhiều cửa khẩu nên việc xét nghiệm dễ rơi vào quá tải, mất nhiều thời gian do phải gửi mẫu vật từ các cửa khẩu về hai trung tâm, ảnh hưởng đến các nhà xuất nhập khẩu. Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, cần nâng cấp các trang thiết bị phục vụ kiểm tra ATTP, đặc biệt tại các cửa khẩu để tránh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, cùng với đó ngành cũng cần bổ sung nhân lực có chuyên môn sâu để làm chủ được các trang thiết bị hiện đại. Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện về hành lang pháp lý cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các cán bộ xử lý được những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thí dụ, như phạt như thế nào, bao nhiêu tiền, kinh phí đầu tư cho máy móc thiết bị lấy ở đâu? Chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác quốc tế để kiểm tra tận gốc vùng sản xuất rau quả của họ, xem quy trình sản xuất của họ thế nào, sử dụng thuốc BVTV ra làm sao, thậm chí lấy mẫu ngay tại nơi sản xuất của họ.
Những khuyến cáo về sản xuất, sử dụng rau, quả an toàn
1. Đối với người tiêu dùng:
– Nên mua ở những cửa hàng có giấy chứng nhận VSATTP. Nếu ai cũng mua ở các cửa hàng này thì sẽ tạo được thị trường ổn định cho những người sản xuất rau, quả sạch. Từ đó mới phát triển được các vùng sản xuất rau, quả an toàn.
– Phải chọn các sản phẩm an toàn. Không nên dùng rau, quả trái vụ. Nên sử dụng các loại quả có vỏ. Trong quá trình chọn thì chỉ cần bằng mắt thường nếu thấy củ quả không bình thường thì đừng mua.
– Rửa sạch, nhặt kỹ, bóc sạch. Thí dụ, đối với rau bắp cải thì ta nên bóc đi ba lớp vỏ ngoài, rồi rửa sạch bằng nước ấm hoặc nước muối, rồi nấu chín, vì nấu chín (50% các vụ ngộ độc thực phẩm trên thế giới là do vi sinh vật, chỉ khoảng 25% là do độc tố có trong sản phẩm gây ra).
– Người dân cũng cần nêu cao ý thức cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn.
2. Đối với người sản xuất:
– Sử dụng đúng thuốc, không dùng thuốc ngoài danh mục được phép.
– Phun nhiều lần và quá nồng độ và trộn nhiều loại thuốc với nhau sẽ ảnh hưởng đến cả cây và sức khỏe của con người.
– Bảo đảm thời gian cách ly sau khi phun thuốc để thuốc kịp phân hủy hết.
– Dụng cụ và kỹ thuật phun cần đúng quy cách, quy trình.
3. Đối với người vận chuyển:
Không được sử dụng xe bẩn để vận chuyển rau, quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()