Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học: Tạo tiền đề bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể
LSO- Từ năm 2011 đến nay, Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) tỉnh đã kiểm kê và lập được 3.273 phiếu của 7 loại hình DSVHPVT. Qua đó đánh giá được mức độ tồn tại, giá trị của các loại hình, tạo tiền đề cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của DSVHPVT.
Cán bộ văn hóa khảo sát, thu thập tư liệu cổ tại nhà ông Hoàng Quốc Trụ, thôn Bản Quấn, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình
Gian nan một chặng đường
Kiểm kê DSVHPVT là quá trình khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản. Từ đó phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về DSVHPVT trên địa bàn.
Để làm tốt công tác này, Ban kiểm kê DSVHPVT tỉnh đã nghiên cứu thu thập tư liệu, thông tin có liên quan. Đồng thời tổ chức 12 lớp tập huấn cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức để nhận thức rõ hơn về phương thức, quy trình kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho các loại hình DSVHPVT đang tồn tại. Qua đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang cũng hiểu rõ hơn về những tồn tại, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT Xứ Lạng.
Có mặt cùng đoàn trong đợt kiểm kê thứ 6 trên địa bàn huyện Lộc Bình, chúng tôi thấy rõ những gian nan trong quá trình khảo sát, điền dã. Khi đó, đoàn chia thành 3 nhóm để khảo sát, kiểm kê tại 29 xã, thị trấn. Những con đường lầy lội, những chiếc xe máy chở đồ cồng kềnh, những đôi ủng cao đến đầu gối là hình ảnh quen thuộc gắn với các cán bộ làm công tác này. Nhờ có sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền xã, cán bộ khảo sát nhanh chóng tiếp cận với các nhân chứng sống, vận dụng các phương pháp nghề nghiệp để khai thác thông tin, thu thập các văn bản, tư liệu cổ.
Ông Hoàng Văn Định, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh, Trưởng nhóm khảo sát 2 cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ xã, chúng tôi đã từng bước khắc phục những khó khăn về thời tiết, đường sá đi lại ở các thôn, bản và ngôn ngữ địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Thành quả sau 5 năm thực hiện
Sau khi nghiên cứu, biên tập thành 7 mẫu phiếu kiểm kê, tương ứng với 7 loại hình DSVH , Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức 12 cuộc điền dã, kiểm kê trên địa bàn 226 xã, phường. Qua đó đã lập được 3.273 phiếu của các loại hình: lễ hội; tiếng nói, chữ viết; tập quán xã hội; nghề, làng nghề thủ công truyền thống; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức về thiên nhiên. Trong đó, nhiều nhất là huyện Văn Quan với 441 phiếu.
Bà Lương Thùy Nha, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Quan cho biết: huyện đã chỉ đạo cán bộ văn hóa cơ sở sắp xếp, hỗ trợ tốt nhất để đoàn khảo sát hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, đoàn đã lập được 441 phiếu ở địa bàn huyện, trong đó nhiều nhất là tập quán xã hội với 181 phiếu. Đây là cơ sở để địa phương định hướng công tác quản lý, giữ gìn, phát huy giá trị DSVHPVT.
Để ghi nhận những đóng góp của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của nhân dân, vừa qua, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh đã biểu dương và tặng giấy khen cho 23 tập thể, 55 cá nhân có thành tích trong công tác kiểm kê, gìn giữ, bảo vệ DSVHPVT.
Có thể nói, qua kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đã đánh giá được thực trạng tồn tại của các loại hình di sản, tạo cơ sở, tiền đề cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT. Trong năm 2015, tỉnh ta vinh dự được công nhận 4 DSVHPVT quốc gia bao gồm: Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); Lễ hội Bủng Kham (Tràng Định); Lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn) và Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng tỉnh Lạng Sơn.
Ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: sau 5 năm thực hiện, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đã hoàn thành đúng kế hoạch đặt ra. Từ đó giúp ích cho quá trình nhận diện đánh giá được giá trị, sức sống và mức độ tồn tại của các loại hình DSVHPVT trong đời sống của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong hoạt động quảng bá, phát triển du lịch của địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()