Kiểm định nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) giúp các trường đại học (ÐH) có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động… Vì vậy, những năm qua công tác KÐCLGDÐH được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), trong thời gian qua, công tác bảo đảm và KÐCLGDÐH gặp không ít khó khăn do nguồn lực con người và tài chính để triển khai còn hạn chế. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ, giảng viên ở các cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận, thực hiện nhiệm vụ KÐCLGD còn chưa đồng đều. Vẫn còn một số đơn vị, cơ sở đào tạo chưa chủ động thực hiện công tác bảo đảm và KÐCLGD… Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp khác nhau, hoạt động KÐCLGDÐH đã có những chuyển biến tích cực.
Ðáng chú ý, sau khi các chính sách về KÐCLGD cùng với các yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo được ban hành, số cơ sở giáo dục ÐH được kiểm định ngày càng tăng. Qua kiểm định, các cơ sở giáo dục ÐH quan tâm đầu tư nhiều hơn về đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Ngành giáo dục đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp thực tiễn Việt Nam; xây dựng, ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện hoạt động bảo đảm và KÐCLGD. Ngoài ra, việc xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục ÐH cũng được chú trọng. Ðội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và KÐCLGD ngày càng được tăng cường. Kết quả kiểm định đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước cho thấy thời điểm tháng 12-2016 có 12 cơ sở giáo dục ÐH đạt chuẩn thì tháng 10-2020 đã có 156 cơ sở giáo dục ÐH được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ðến cuối năm 2020 đã có bảy trường ÐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Ðánh giá nghiên cứu và giáo dục ÐH Pháp (HCERES) và Mạng lưới các trường đại học Ðông – Nam Á (AUN-QA). Trong đó, Trường ÐH Bách khoa (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được cả hai tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tổng số có 195 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận gồm: 156 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); bảy chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ – tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), sáu chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Hoa Kỳ (ACBSP), chín chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA), một chương trình cử nhân khoa học và công nghệ của Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được công nhận bởi HCERES.
Việc thực hiện bảo đảm và kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín cơ sở giáo dục đại học. Năm 2015, chỉ có ba trường có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á thì đến năm 2020, Việt Nam đã có tám trường ÐH trong tốp 500 trường hàng đầu châu Á (theo bảng QS University Rankings) gồm: ÐH Quốc gia Hà Nội, ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội, Trường ÐH Tôn Ðức Thắng, ÐH Ðà Nẵng, ÐH Huế, Trường ÐH Duy Tân. Ðáng chú ý, có bốn trường có tên trong tốp trường tốt nhất thế giới: là ÐH Quốc gia Hà Nội, ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội và Trường ÐH Tôn Ðức Thắng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Hoàng Minh Sơn, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm và KÐCLGD, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục ÐH và đào tạo giáo viên. Củng cố, tăng cường năng lực, đồng thời tăng cường tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với hệ thống bảo đảm và KÐCLGD ở các cơ sở giáo dục và tổ chức KÐCLGD nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục ÐH, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Ngành giáo dục xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong phù hợp sứ mệnh, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục như: Kiện toàn tổ chức để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm và KÐCLGD; ban hành hệ thống văn bản nội bộ để quản lý, tổ chức, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm và KÐCLGD; xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng và thực hiện việc duy trì, phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo… Phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm và KÐCLGD; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên môn với các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KÐCLGDÐH để giám sát kết quả hoạt động trong công tác bảo đảm và KÐCLGD của các cơ sở giáo dục ÐH…
Ý kiến ()