Kiểm định không phải để tăng học phí
Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học phải kiểm định chất lượng giáo dục. Tính đến tháng 11-2023, hàng trăm cơ sở giáo dục và hơn 1.400 chương trình đào tạo được kiểm định. Tuy nhiên, điều sau cùng mà người học quan tâm là sau kiểm định, chất lượng đào tạo có tăng lên, hay đây là cuộc đua giành “tờ giấy kiểm định” để tăng học phí.
Kiểm định bộc lộ điểm mạnh-yếu
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu-nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp hoàn thiện, sửa đổi phù hợp. Công tác kiểm định chất lượng vì vậy được nhiều trường đại học xác định là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 30-11-2023, có 266 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 198 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.
PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm 2017, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kỳ đánh giá ngoài về cơ sở đào tạo do tổ chức châu Âu HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học) có trụ sở ở Pháp tiến hành. Sau đó, đơn vị nhận được khoảng 20 điểm khuyến cáo của HCERES, trong đó liên quan đến quản trị đại học.
Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong 9 cơ sở đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. |
“Tất cả những khuyến nghị này được chúng tôi thực hiện quyết liệt và có hiệu quả. Điều dễ nhận thấy nhất là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Cuối tháng 11 vừa qua, tổ chức HCERES tiếp tục sang đánh giá chu kỳ 5 năm tiếp theo. Họ tìm hiểu rất kỹ quá trình và kết quả khắc phục 20 khuyến cáo được họ đưa ra đối với Đại học Bách khoa Hà Nội. Xét về tổng thể, những khuyến cáo này của HCERES đã giúp nhà trường nâng cao chất lượng về mọi mặt”, PGS, TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
Sở dĩ có nhiều cơ sở giáo dục tham gia kiểm định bởi quá trình kiểm định quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho cơ sở giáo dục đại học, ngay cả từ khâu chuẩn bị phải đạt được yêu cầu. Có những bộ tiêu chuẩn có đến hơn 100 tiêu chí cần phải đạt. Đặc biệt, quá trình báo cáo tự đánh giá cũng rất công phu. Trong quá trình xây dựng báo cáo tự đánh giá và nộp các minh chứng bao gồm tất cả hoạt động về quản trị, điều hành hành chính, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Những hoạt động này được phơi bày rất rõ ràng, minh bạch, bộc lộ tất cả những điểm mạnh, điểm yếu.
Với kinh nghiệm là trường đại học công lập đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có 19 chương trình được kiểm định chương trình ACBSP (Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh của Hoa Kỳ), GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, nhiều trường của Việt Nam không dám đăng ký kiểm định ACBSP vì những tiêu chuẩn quá xa so với điều kiện của trường. Tiêu chí khó nhất là tỷ lệ 12 sinh viên/giảng viên. Với tỷ lệ này, giảng viên mới có nhiều điều kiện nghiên cứu. Để làm được việc đó, chúng ta phải hướng tới những tiêu chuẩn rất cao; đây là con đường dài cho giáo dục đại học ở Việt Nam.
Không phải tấm áo khoác cho sang
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, học phí đại học được quy định khá rõ các mức khung nhưng nghị định cũng cho phép các ngành đạt kiểm định chất lượng được tự xác định mức học phí phù hợp. Vậy là bên cạnh một số quy định bó buộc vẫn còn những kẽ hở để không ít trường chạy theo kiểm định vì học phí.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) từng chỉ ra tình trạng nhiều trường không mở ngành bình thường mà mở hệ chất lượng cao của chính ngành học đó. Hệ đào tạo chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn điểm bình thường, chỉ tăng thêm môn học tiếng Anh. Các trường sau khi kiểm định thì tăng học phí.
Nhìn từ thực tế, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc kiểm định mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển cũng như văn hóa chất lượng của các trường. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kiểm định này còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như việc thành lập đoàn đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo với thành viên chưa phải là chuyên gia của ngành đào tạo đó, hay một người có thể tham gia kiểm định nhiều chương trình đào tạo không thuộc chuyên môn của mình… Điều khiến TS Lê Viết Khuyến băn khoăn và lo ngại nhất là tính tin cậy, độ trung thực của quá trình kiểm định, trong bối cảnh có quá nhiều đơn vị kiểm định xuất hiện. “Nếu đã kiểm định thì cơ quan kiểm định đó phải được Nhà nước và Bộ GD-ĐT công nhận. Tức là việc kiểm định nếu đưa vào nước ta phải được đặt dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng. Nếu các trường chỉ chạy theo giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì sẽ không có chất lượng thật và người học sau khi ra trường sẽ là kênh thông tin phản hồi thực chất nhất”, TS Lê Viết Khuyến nêu vấn đề.
Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể theo quá trình, công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài được quan tâm và bước đầu được triển khai đồng bộ tại các cở sở giáo dục. Tuy nhiên, theo GS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) còn có sự chênh lệch giữa kết quả giữa tự đánh giá của cơ sở giáo dục và đánh giá ngoài của đoàn đánh giá, cho thấy một trong các nguyên nhân chính là do năng lực tự đánh giá của đội ngũ bảo đảm chất lượng của nhà trường theo chuẩn chưa đồng đều.
Về vấn đề này, PGS, TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định: “Việc kiểm định không phải tấm áo khoác cho sang. Nhà trường không làm kiểm định để tăng học phí. Đối với một cơ sở giáo dục đại học, việc kiểm định phải trải qua nhiều bước đi chắc chắn. Nếu việc kiểm định không thực chất, về lâu dài chắc chắn các cơ sở giáo dục sẽ đánh mất uy tín, chất lượng đào tạo”.
NGuồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/kiem-dinh-khong-phai-de-tang-hoc-phi-758592
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()