Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải đi đôi với sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Tôi cảm nhận sâu sắc đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân.Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, là việc làm thiêng liêng và hệ trọng, liên quan đến những vấn đề sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nhận thức được tầm quan trọng và sự quan tâm ấy, sau khi tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc vào ngày 13-8 vừa qua để thông báo kết quả của cuộc tự kiểm điểm.Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những phương thức sinh hoạt, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Tôi cảm nhận sâu sắc đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, là việc làm thiêng liêng và hệ trọng, liên quan đến những vấn đề sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nhận thức được tầm quan trọng và sự quan tâm ấy, sau khi tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc vào ngày 13-8 vừa qua để thông báo kết quả của cuộc tự kiểm điểm.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những phương thức sinh hoạt, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta, đặc biệt là Bác Hồ luôn hết sức coi trọng việc tự phê bình và phê bình thường xuyên đối với tập thể và cá nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng Đảng ta được nhân dân tin yêu, giữ vững được vai trò lãnh đạo, đó là nhờ Đảng ta thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình; luôn luôn tự nghiêm khắc với những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả những sai lầm của chính mình. Nhờ tự phê bình và phê bình mà Đảng ta không ngừng hoàn thiện được chủ trương, đường lối và rèn luyện, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi giai đoạn cách mạng. Những lần tự phê bình và phê bình trước đây, chúng ta tiến hành tự phê bình và phê bình mang tính chất định kỳ, thường xuyên; kiểm điểm, phê bình toàn diện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực. Còn lần này chỉ tập trung kiểm điểm sâu ba vấn đề Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu. Thứ nhất, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Thứ hai, phải làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp T.Ư, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Thứ ba, là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu với tập thể lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhằm tránh tình trạng mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, nhưng đồng thời phải đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Trực tiếp tham gia quá trình này, tôi nhận thấy cái mới ở lần này là công việc chuẩn bị kiểm điểm vừa qua của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được làm rất nghiêm túc, công phu, bài bản, khoa học. Để chuẩn bị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm, không chỉ từng cá nhân và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự chuẩn bị bản kiểm điểm, mà có thể nói, với cách làm vừa qua, toàn Đảng đã tham gia chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm thông qua việc lấy ý kiến phê bình, góp ý của các đảng bộ trực thuộc T.Ư trong cả nước. Ngoài ra, còn lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo T.Ư qua các thời kỳ. Cho nên, những vấn đề đặt ra với Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần này không còn là vấn đề riêng của mỗi người, thậm chí không phải của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa này mà là những vấn đề chung của toàn Đảng. Và đấy chính là những “hạn chế, yếu kém, thậm chí có những hạn chế, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục” đã được nêu lên trong Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI).
Trước đây, vào dịp cuối năm, mỗi đảng viên cũng tự mình làm bản kiểm điểm, phê bình, báo cáo trước cấp ủy, trước chi bộ. Nhưng cái mới ở lần này là nhiều cấp ủy, nhiều người tham gia góp ý cho một người, cho một tập thể thì nhất định sẽ sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn là mỗi người, mỗi tập thể tự chuẩn bị. Sự nhận xét, đánh giá như vậy chắc chắn cũng sẽ đúng đắn, khách quan hơn. Nếu có ai muốn xen động cơ cá nhân vào cũng khó.
Khi đi vào thực hiện tự phê bình và phê bình, với sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, bầu không khí phê bình, góp ý diễn ra dân chủ, trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn. Mỗi người không phải chỉ tự kiểm điểm, tự soi lại mình, mà đồng thời có trách nhiệm góp ý, phê bình, chỉ ra những khuyết điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí khác.
Đồng thời, lần này đặt ra yêu cầu kiểm điểm phải đi đôi với sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Không chờ kiểm điểm xong hết các cấp lúc bấy giờ mới bắt tay vào sửa chữa. Tinh thần ấy đã được quán triệt ngay từ khi Nghị quyết T.Ư 4 ra đời. Từng cán bộ, đảng viên đã phải suy nghĩ, sau khi tiếp thu Nghị quyết, với cương vị, trách nhiệm của mình thì sẽ phải kiểm điểm và sửa chữa những vấn đề gì. Từ những đồng chí giữ cương vị lãnh đạo cao nhất cho tới mọi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải thấm nhuần tinh thần ấy. Chúng ta tiến hành kiểm điểm để thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho mình tốt hơn, không phải “đóng cửa” để kiểm điểm, sao nhãng việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Trái lại, càng kiểm điểm tốt, kiểm điểm sâu bao nhiêu thì tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những vấn đề hôm nay và ngày mai càng thêm tốt hơn bấy nhiêu, bởi qua kiểm điểm sẽ không lặp lại sai lầm, khuyết điểm trước đây. Và việc kiểm điểm, phê bình tốt thì uy tín của tập thể hoặc cá nhân người được kiểm điểm cũng sẽ tốt. Tinh thần ấy, nhận thức, quyết tâm ấy qua hội nghị cán bộ vừa qua đang thấm sâu vào toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực tế kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đạt được cả hai yêu cầu trên, dù mới chỉ là những kết quả bước đầu nhưng đã có tác dụng góp phần khôi phục lòng tin, nâng cao uy tín của Đảng trước cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Tại hội nghị vừa qua, Bộ Chính trị thông báo kết quả bước đầu của việc kiểm điểm, phổ biến cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời hướng dẫn cấp dưới triển khai. Cách làm như vậy được dư luận đánh giá cao và đồng tình. Sắp tới là đến lượt cấp dưới học tập, làm theo. Tôi nghĩ, cấp trên cũng cần theo dõi, không chỉ lãnh đạo hướng dẫn mà cũng sẵn sàng học cấp dưới nếu như tới đây có đảng bộ nào đó vận dụng, làm hay, làm tốt hơn nữa. Vì đây là một công việc được tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, chắc rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và cách làm tốt. Điều quan trọng nhất mà mọi người mong đợi là, kiểm điểm phải đi đôi với khắc phục, sửa chữa, chứ nếu chỉ làm qua loa, chiếu lệ, hoặc chỉ có nói “thấm lắm”, nhận thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn không sửa, không khắc phục thì việc kiểm điểm, phê bình như vậy cũng không thành công.
Yêu cầu cấp trên phải nêu gương trong việc tự phê bình và phê bình trong Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ. Trên cơ sở thông báo của Thường trực Ban Bí thư, nhất là bài phát biểu công khai, cụ thể, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư, mọi người đều thấy tinh thần trách nhiệm, yếu tố nêu gương đã được thể hiện rõ trong đợt tự phê bình và phê bình vừa qua. Trước hết, đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm trước, và đã làm nghiêm túc. Thứ hai, là cách tổ chức lấy ý kiến góp ý rất rộng rãi cho tập thể và cá nhân. Tất cả các đảng bộ trực thuộc T.Ư đều có trách nhiệm góp ý cho tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt, các ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ rất sâu sắc, thẳng thắn, chân thành, xây dựng. Cuộc đời của các đồng chí đó đã gắn bó, tâm huyết với Đảng, với nhân dân. Bây giờ nghỉ hưu, các đồng chí ấy không chỉ băn khoăn, lo lắng trước thực trạng những tồn tại, yếu kém trong Đảng mà rất mong những người kế tục sự nghiệp của Đảng phải thật sự xứng đáng với lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân. Tôi nghĩ đó cũng là nét mới, là cái hay, cái đúng của cách làm vừa qua. Nếu chúng ta chỉ lấy ý kiến của các cấp ủy, của các đồng chí lãnh đạo đương chức, kết quả cũng bị hạn chế bởi không ít người ngại va chạm, ngại nói thẳng, nói thật; muốn xuê xoa, dễ người, dễ mình. Việc tổ chức lấy ý kiến sâu rộng như vừa qua cho thấy, những ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo đã nghỉ hưu là hết sức cần thiết và quý giá; được tập thể cũng như cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất trân trọng lắng nghe, tiếp thu.
Đối với Đảng bộ Hà Nội, chúng tôi nhận thức sâu sắc về việc cần phải thực hiện đầy đủ và thật tốt những yêu cầu, hướng dẫn, quy định của Trung ương. Với vị trí là Đảng bộ Thủ đô, có số lượng đảng viên hơn 340.000, gần bằng một phần mười tổng số đảng viên của Đảng, kết quả kiểm điểm của Hà Nội tốt hay không sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung. Đây là trách nhiệm rất nặng nề trước một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng nhất định Đảng bộ Thủ đô phải quyết tâm làm tốt. Ai cũng biết tự phê bình và phê bình là vấn đề không dễ, phụ thuộc vào nhận thức, ý thức trách nhiệm, đặc biệt là tính tự giác; đòi hỏi phải có tinh thần dũng cảm tự nhận, tự phê, tự sửa. Tập thể lãnh đạo cấp ủy Hà Nội nhận thức đầy đủ yêu cầu, trách nhiệm lần này và cố gắng làm tốt nhất yêu cầu của T.Ư. Ngoài những yêu cầu chung, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn yêu cầu Đảng bộ TP Hà Nội phải làm rõ và khắc phục những hạn chế, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, ngại va chạm, ngại chịu trách nhiệm… Nội dung thứ hai Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu Hà Nội cần đi sâu kiểm điểm đó là, quản lý tài sản, vốn đầu tư, dự án, đất đai… còn lỏng lẻo, sơ hở, gây thất thoát. Những vấn đề đó, tới đây sẽ phải kiểm điểm làm rõ; phần nào thuộc tập thể, phần nào của cá nhân phải chỉ ra để sửa.
Một yêu cầu nữa, là phải đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí của tập thể lãnh đạo TP Hà Nội, đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao những việc đã làm được trên lĩnh vực tổ chức và cán bộ từ sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhờ đó đã giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ to lớn, quan trọng, khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thức rõ yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những đồng chí đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải có tinh thần dũng cảm, dám chịu trách nhiệm, làm việc tốt hơn nữa.
Với tinh thần thực sự cầu thị, Thành ủy luôn mong các cấp, các ngành, nhân dân tích cực tham gia góp ý, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, yếu kém để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố sửa chữa, khắc phục.
Để thực hiện tốt đợt tự phê bình và phê bình lần này, có rất nhiều việc phải làm. Trong Di chúc để lại, Bác Hồ căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn ấy lúc nào và ở đâu cũng vô cùng cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng vừa qua người này, người kia, tập thể này, tập thể khác có những lúc sao nhãng. Không những thế, Bác còn nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.
VỚI tinh thần quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, đồng thời nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ TP Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện hướng dẫn của Trung ương. Một trong những biện pháp cực kỳ quan trọng và cần thiết phải làm là tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ, mở rộng đối tượng tham gia nhận xét, góp ý với cấp ủy và lãnh đạo thành phố; tích cực xây dựng quy chế đánh giá cán bộ, trước hết là với các chức danh do cấp ủy và Hội đồng nhân dân bầu; không phải năm năm một lần, mà phải làm thường xuyên, thật sự dân chủ, công khai. Đây là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng, đề cao vai trò kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo; góp phần nâng cao trách nhiệm và uy tín của cấp ủy, đảng viên, cán bộ. Không ai nghĩ rằng việc sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của cá nhân hay tập thể chỉ ngày một, ngày hai có thể làm xong, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng phải xác định quyết tâm cao độ thực hiện cho được, để cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng lần này của Đảng bộ Thủ đô đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()