Ngay từ quý I năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án xuất khẩu đối với từng nhóm mặt hàng theo từng tháng, từng quý; phấn đấu đạt chỉ tiêu xuất khẩu đã được Quốc hội thông qua, và kiểm soát nhập siêu tối đa không vượt quá 20% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (GSO), sáu tháng đầu năm nay, kinh tế – xã hội đã có những dấu hiệu phục hồi khả quan. Điều đó phản ánh việc điều hành linh hoạt hợp lý của Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh. Mặc dù lạc quan về tình hình kinh tế-xã hội, nhưng đại diện Tổng cục Thống kê cũng đưa ra khuyến cáo về những khó khăn vẫn tiềm ẩn nguy cơ CPI và nhập siêu ở mức cao trong thời gian còn lại.
Số liệu ước tính của GSO vừa được công bố, giá trị xuất khẩu trong tháng 7 ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm khoảng 8% so với mức thực hiện của tháng trước (6,3 tỷ USD). Trong khi đó, giá trị nhập khẩu, mặc dù giảm hơn 100 triệu USD nhưng vẫn đạt 6,95 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu là nguyên nhân dẫn tới nhập siêu tăng. Tính chung trong bảy tháng, nhập siêu của Việt Nam đạt hơn 7,4 tỷ USD tương đương gần 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đạt mục tiêu nhập siêu không vượt quá 20% này sẽ khó khăn. Đặc biệt, năm nay năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản khó có tăng trưởng cao… Lượng dầu thô xuất khẩu sẽ giảm 3,5-4 triệu tấn năm 2010 do phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và giày da tiếp tục gặp một số khó khăn vì Hoa Kỳ đã bỏ hoàn toàn hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, tạo cạnh tranh lớn với hàng Việt Nam. Ngoài ra EU thông qua đề xuất tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 10% thêm 15 tháng lên các sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam…
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nước ta nhập siêu cao là do thiếu các chính sách đầu tư thích đáng để sản xuất hàng cơ khí, máy móc, thiết bị thay thế hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hơn nữa các biện pháp đang áp dụng hiện nay chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng, trong khi tỷ trọng của nhóm này rất thấp. Đặc biệt, nhập siêu phân bổ không đều cho các thị trường mà chỉ dồn vào các thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc chiếm chủ yếu trong tổng lượng nhập siêu. Tính riêng nhập siêu hàng hóa sáu tháng qua đạt 6,7 tỷ USD, trong đó khoảng sáu tỷ USD nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra việc Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ cũng sẽ còn tác động đến cán cân xuất nhập khẩu của nước ta. Trên thực tế, hàng loạt giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong ngắn hạn đã được ban hành như hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu… nhưng kết quả vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Để kiềm chế nhập siêu, cần phải tiếp tục đẩy mạnh khai thác, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới hoặc các thị trường chủ lực châu Á (Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc), châu Âu (chủ yếu là EU), bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Ca-na-đa), cũng như các thị trường truyền thống, mới để tận dụng mọi khả năng xuất khẩu. Song giải pháp dài hơi vẫn là thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được; cần có cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm chất lượng cao; tổ chức các kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu; có chính sách tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu. Chuyển hướng nhập khẩu máy móc, công nghệ sang các thị trường có công nghệ cao như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh xử lý nhập siêu cần phải rất linh hoạt vì nếu giảm nhập khẩu không hợp lý sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất.
Ý kiến ()