Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
Ngày 2-3, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2.Trước tình hình nóng về lao động Việt Nam tại Li-bi, Chính phủ đã dành phần đầu của phiên họp nghe Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo nhanh tình hình sơ tán lao động Việt Nam ra khỏi Li-bi. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo thống kê của Bộ LĐ, TB và XH, tổng số lao động Việt Nam có hợp đồng làm việc tại Li-bi là 10.482 người. Tính đến thời điểm ngày 2-3, đã có 6.196 lao động Việt Nam được sơ tán ra khỏi biên giới Li-bi, chủ yếu tới đảo Man-ta, Ai Cập, Hy Lạp, Tuy-ni-di và An-giê-ri. Trong đó, đến đêm 1-3, đã có 1.635 lao động Việt Nam về nước an toàn. Sáng 2-3 có thêm chuyến bay về TP Hồ Chí Minh chở theo 340 người và ngày 2-3 cũng đã xác nhận có thêm ba chuyến bay cất cánh từ quốc đảo Man-ta, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai...
Ngày 2-3, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2.
Trước tình hình nóng về lao động Việt Nam tại Li-bi, Chính phủ đã dành phần đầu của phiên họp nghe Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo nhanh tình hình sơ tán lao động Việt Nam ra khỏi Li-bi. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo thống kê của Bộ LĐ, TB và XH, tổng số lao động Việt Nam có hợp đồng làm việc tại Li-bi là 10.482 người. Tính đến thời điểm ngày 2-3, đã có 6.196 lao động Việt Nam được sơ tán ra khỏi biên giới Li-bi, chủ yếu tới đảo Man-ta, Ai Cập, Hy Lạp, Tuy-ni-di và An-giê-ri. Trong đó, đến đêm 1-3, đã có 1.635 lao động Việt Nam về nước an toàn. Sáng 2-3 có thêm chuyến bay về TP Hồ Chí Minh chở theo 340 người và ngày 2-3 cũng đã xác nhận có thêm ba chuyến bay cất cánh từ quốc đảo Man-ta, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ đưa thêm 746 lao động về nước. Như vậy sẽ nâng tổng số lao động về Việt Nam lên 2.739 người. Tại sân bay Cai-rô (Ai Cập), ngày 1-3, còn 206 lao động Việt Nam và hiện đều đã được mua vé máy bay để bay các chuyến bay thương mại về Việt Nam. Bên cạnh đó, còn 98 người đang di chuyển về Cai-rô, còn cách Cai-rô 500 km. Hiện tổng số lao động Việt Nam còn đang ở Li-bi là hơn 3.000 người. Trong đó, đã có 1.123 người xuống tàu biển và đi đến nước thứ ba; Hơn 1.400 người đang trên đường di chuyển về biên giới Ai Cập và Li-bi. Và một đoàn 1.000 người đi đường bộ từ Tri-pô-li sang biên giới Tuy-ni-di và cùng với 1.000 người đang tập kết ở Tuy-ni-di. Như vậy, vẫn còn khoảng 200 người đang nằm trong địa phận Li-bi và đang tìm cách thoát khỏi Li-bi. Những lao động này hoạt động theo cơ chế tự quản và vẫn liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi. Bộ LĐ, TB và XH đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, các cơ quan đại diện tại nước ngoài… tích cực, khẩn trương sơ tán tất cả lao động Việt Nam ra khỏi Li-bi và đưa về nước an toàn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, lao động tại Li-bi khi về nước sẽ được hỗ trợ một triệu đồng/người từ Quỹ Hỗ trợ lao động ngoài nước và một triệu đồng/người từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm chi phí đi đường. Bộ LĐ, TB và XH sẽ căn cứ vào chính sách, quy định pháp luật hiện hành để tìm cách hỗ trợ người lao động khi trở về nước, chẳng hạn với những lao động đang phải vay ngân hàng, sẽ xem xét kiến nghị ngân hàng khoanh nợ; đối tượng nghèo sẽ được hỗ trợ. Khi mở thị trường xuất khẩu lao động mới, sẽ tạo điều kiện cho những lao động này tiếp tục sang làm việc…
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, hiện số lao động chưa về nước còn nhiều, do vậy, các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với cơ quan đại diện và doanh nghiệp, làm việc với chính quyền nước sở tại, đối tác sử dụng lao động, bằng mọi biện pháp phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động Việt Nam tại Li-bi và các nước thứ ba đồng thời phối hợp với cơ quan đại diện tại các nước lân cận đang có lao động Việt Nam sơ tán bảo đảm điều kiện sinh hoạt an toàn cho người lao động. Tình hình Li-bi khó có khả năng sớm ổn định nên cần nhanh chóng quyết liệt tìm mọi biện pháp đưa người lao động sớm về nước.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011; báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2010, tình hình triển khai thực hiện và những giải pháp điều hành NSNN năm 2011. Theo hai báo cáo này thì trong 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tạo việc làm; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý… GDP của cả năm 2010 tăng 6,78%, cao hơn con số báo cáo ra Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2009, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (19,1%); nhập siêu cả năm 2010 chỉ bằng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 19,8% đã báo cáo Quốc hội… Tổng thu NSNN năm 2010 đạt 559.170 tỷ đồng, vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 31.070 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tổng chi NSNN đạt 669.630 tỷ đồng, tăng 15% so với dự toán, tăng 27.430 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội…
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội hai tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Trong tháng 2, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 của Chính phủ, đồng thời tập trung triển khai cấp bách Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Hai tháng qua, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt xấp xỉ 131 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 12,3 tỷ USD, tăng tới 40,3%, gấp hơn bốn lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%), trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 26,8%, khiến nhập siêu giảm mạnh, chỉ bằng 14,8% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7%. Lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng tiếp tục phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 304,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng 16% cả về số lượng cũng như số vốn đăng ký… Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình có công được quan tâm. An sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những vấn đề nổi cộm trong hai tháng qua là giá cả hàng hóa tăng, ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm đã tăng 3,87%, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Các thành viên Chính phủ đều cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là kịp thời, thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ là tập trung kiềm chế lạm phát, chấp nhận việc tăng trưởng kinh tế có thể không đạt mức kế hoạch đề ra. Vấn đề quan trọng hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa những giải pháp nêu trong Nghị quyết này và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó đặc biệt chú ý các giải pháp liên quan chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt. Thực hiện tốt hai chính sách này sẽ góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh; thâm canh tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp; kiểm soát tốt giá cả thị trường, chống tình trạng đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm an sinh xã hội… Đi liền với việc hỗ trợ các hộ nghèo, tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu, điện theo lộ trình cơ chế thị trường. Trong cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, năm 2011 lấy thủ tục về xây dựng và đất đai để tập trung cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí về những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để cho người dân biết, dân hiểu và tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT; Dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật…
Chiều 2-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; cùng dự có lãnh đạo các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… Tại buổi họp báo, lãnh đạo một số bộ đã trả lời báo chí một số thông tin liên quan đến tình hình đưa lao động Việt Nam tại Li-bi về nước; các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…
Theo Nhandan
Ý kiến ()