Kích cầu tiêu dùng
LSO-Để ổn định thị trường, đảm bảo chất lượng hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính trích từ quỹ dự trữ tài chính ngân sách 25 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn.
Điểm bán hàng bình ổn của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp, Chi nhánh thành phố Lạng Sơn |
Thời điểm cuối năm và giáp tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, điều này có thể sẽ dẫn đến việc thị trường bất ổn, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng. Nhằm bình ổn thị trường, Sở Công thương phối hợp cùng Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình bình ổn giá. Theo đó, hai ngành đã thống nhất và lựa chọn ra 3 doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất nông nghiệp để thực hiện chương trình bán hàng bình ổn và hỗ trợ tổng nguồn vốn 25 tỷ đồng với mức lãi suất 0% để các doanh nghiệp tích trữ hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn gồm: Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn, cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng với mức giá thấp hơn giá trung bình thị trường từ 3 – 10%. Do các đơn vị đều có mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp cả tỉnh nên người dân sẽ có căn cứ để so sánh giá cả hàng hóa, các tiểu thương khác sẽ không thể lợi dụng dịp lễ, tết để tăng giá.
Để thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp đã chủ động tích trữ hàng hóa ngay từ tháng 11/2016 với tổng số vốn cam kết hơn 100 tỷ đồng. Các mặt hàng tích trữ phục vụ tiêu dùng chủ yếu là hàng thiết yếu như: dầu ăn, muối I ốt, các loại đồ uống, bánh kẹo và đường kính. Các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: các loại giống ngô, lúa và phân đạm. Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn cho biết: Đến thời điểm hiện tại, công ty đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để tích trữ hàng hóa. Công ty mua hàng sớm để hạn chế việc tăng giá các loại giống và phân trong thời gian cao điểm sản xuất vụ xuân. Đồng thời, hàng hóa đã được phân phối đến tất cả các điểm bán lẻ của công ty tại các huyện, thành phố.
Thực tế qua các năm cho thấy, hiệu quả từ chương trình bình ổn đã giúp người dân được mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, qua đó đã kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Như thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, hai tháng trước và sau tết Nguyên đán, Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Nguyên đã phân phối hàng hóa bình ổn với tổng số tiền vốn hơn 30 tỷ đồng. Trong đó có 6 tỷ đồng được hỗ trợ thực hiện chương trình bình ổn. Theo thống kê hằng năm của ngành công thương, lượng hàng hóa bán lẻ trong quý I luôn tăng trưởng mạnh nhất trong các quý. Quý I/2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ toàn tỉnh đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại cuộc họp triển khai chương trình bình ổn năm 2017, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Chương trình bình ổn phải được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đến các xã vùng sâu, vùng xa. Không chỉ bình ổn giá bán mà cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các huyện, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hạn chế hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ tuồn vào. Nhất là các mặt hàng phục vụ sản xuất như giống, phân bón. Đối với các đơn vị thực hiện bình ổn phải nghiêm túc thực hiện theo cam kết từ việc quảng cáo, tuyên truyền đến trưng bày và niêm yếu giá hàng hóa. Đảm bảo nhân dân được đón một cái tết tiết kiệm, an toàn.
ANH DŨNG
Ý kiến ()