Kích cầu du lịch nội địa ‘thời COVID’: Không chỉ dừng ở liên kết
Cần có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhà quản lý và doanh nghiệp đều thấy rõ thị trường nội địa chính là giải pháp sống còn của ngành du lịch Việt. Nhiều chương trình kích cầu nội địa đã được triển khai ngay khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, tất cả mới dừng lại chủ yếu ở việc liên kết giữa một số tỉnh, thành phố và nỗ lực làm mới lại một số sản phẩm cũ… Do đó, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia là vô cùng cần thiết.
Cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu”
COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề kéo theo sự sụt giảm chưa từng thấy của các ngành, lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội trong nước, cụ thể như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống… Con số thiệt hại về kinh tế du lịch ước tính lên tới khoảng hơn 50.000 tỷ đồng (tương đương gần 23 tỷ USD Mỹ).
“Qua đó, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan. Vấn đề của ngành du lịch hiện nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan,” Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định đại dịch COVID-19 sẽ là cuộc khủng hoảng mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất cho lịch sử du lịch quốc tế kể từ năm 1950 đồng thời chấm dứt chuỗi 10 năm liên tiếp tăng trưởng bền vững từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
UNWTO cũng dự báo du lịch quốc tế trong cả năm 2020 sẽ sụt giảm khoảng 70% so với năm 2019, giảm từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt khách đến, thất thu từ 950 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD doanh thu xuất khẩu của du lịch, gây rủi ro cho 100-120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành.
Do đó, việc phục hồi du lịch quốc tế sau COVID-19 sẽ chậm hơn các cuộc khủng hoảng trước đây như SARS (11 tháng), cuộc khủng bố ngày 11/9 (14 tháng) hay khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 (19 tháng).
Phần lớn các chuyên gia của UNWTO dự đoán du lịch quốc tế sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III năm 2021 và sớm nhất đến năm 2023 mới đạt được mức như năm 2019 trước đại dịch. Họ cũng nhận định thị trường du lịch nội địa lớn gấp 6 lần thị trường du lịch quốc tế với ước tính 9 tỷ chuyến đi trong năm 2018, trong đó 50% các chuyến đi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, những quốc gia có du lịch nội địa chiếm tỷ trọng cao sẽ hồi phục sớm hơn và nhanh hơn sau COVID-19.
Thế giới đua nhau “kích cầu”
Thực tế cho thấy có sáu biện pháp chính được các Cơ quan Du lịch Quốc gia trên thế giới sử dụng khi khởi động lại du lịch nội địa bao gồm: Giảm giá, xúc tiến và quảng bá, phát triển sản phẩm, hợp tác công-tư, thu thập dữ liệu thị trường, đào tạo và nâng cao năng lực.
Có thể lấy ví dụ như Chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình “We Travel Together” từ 15/7-31/10/2020, hỗ trợ 5 triệu đêm lưu trú tại khách sạn với giá chỉ bằng 40% giá gốc, mức hỗ trợ lên đến 3.000 bạt Thái (98 USD)/đêm, tối đa 5 đêm, khách du lịch chi trả 60% còn lại.
Chương trình kích cầu này cũng áp dụng với các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vé máy bay nội địa, được hỗ trợ 40% so với giá gốc. Chính phủ Thái Lan cũng tài trợ chi phí cho kỳ nghỉ của khoảng 1,2 triệu nhân viên y tế và tình nguyện viên tài các bệnh viện để tri ân đã tham gia đẩy lùi đại dịch.
Hay như đảo quốc Singapore, tháng 7/2020 vừa qua chính phủ nước này đã chi 45 triệu SGD (33,5 triệu USD) khởi động chiến dịch “SingapoRediscovers,” khuyến khích người dân ủng hộ các dịch vụ du lịch trong nước.
Tháng 8/2020, Chính phủ Singapore công bố gói kích thích “phiếu tín dụng” tổng giá trị lên tới 320 triệu SGD (239 triệu USD), mỗi người dân Singapore từ 18 tuổi trở lên sẽ được trao phiếu tín dụng trị giá 100 SGD (75 USD) vào cuối năm, sử dụng mua vé tham quan và tour, đặt phòng tại các khách sạn được cấp phép cho tới tháng 6/2021.
Trong khi đó, quốc gia láng riềng Malaysia đã mạnh tay phân bổ 500 triệu MYR (113 triệu USD) cho các phiếu giảm giá du lịch nội địa để khuyến khích du lịch trong nước đồng thời giảm thuế cá nhân lên tới 1.000 MYR (227 USD) cho người dân chi tiêu liên quan đến du lịch nội địa.
“Chương trình Gamelan 2020” của chính phủ nước này cũng hỗ trợ các hoạt động quảng bá trong nước của doanh nghiệp địa phương, thông qua hỗ trợ tài chính có hoàn lại lên đến 200.000 MYR (54.000 USD) cho mỗi doanh nghiệp.
Song mạnh tay nhất phải kể đến Nhật Bản. Ngày 27/5/2020, chính phủ này đưa ra sáng kiến “Go To Campaign” (bao gồm Go to Travel, Go To Eat, Go To Event, Go To Shotengai-Shopping) tổng trị giá 1,7 nghìn tỷ yên (15,7 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19, gồm du lịch, ăn uống, tổ chức sự kiện và mua sắm.
Trong số đó, gói Go To Travel (Đi du lịch) hỗ trợ 50% chi phí đi du lịch nội địa cho chỗ ở và đi lại, lên đến 20.000 yên (khoảng 185 USD) mỗi đêm cho khách nghỉ qua đêm và 10.000 yên (khoảng 92 USD) cho khách du lịch trong ngày.
Khoản trợ cấp được phân phối thông qua các hoạt động giảm giá và voucher sử dụng tại các nhà hàng và cửa hàng địa phương. Sáng kiến được áp dụng từ cuối tháng Bảy, cho các khách hàng đặt tour qua công ty du lịch Nhật Bản hoặc trực tiếp với các khách sạn, nhà trọ truyền thống của Nhật.
Du lịch Việt: Cần một chương trình tổng thể
Thời gian qua, lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đã chỉ đạo và các địa phương đều triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, bước đầu cho thấy dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại chủ yếu ở việc liên kết giữa một số tỉnh, thành phố và nỗ lực làm mới lại một số sản phẩm cũ…
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để giải quyết khó khăn, Bộ Văn hoá Thế thao và Du lịch đã kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng cũng như các bộ, ngành, địa phương một số vấn đề.
Trước hết, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Hai là tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch cỡ lớn, tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ ba là giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam…
Các địa phương quan tâm chỉ đạo phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó là đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch… cũng cần được lưu tâm.
Những đề xuất này càng sớm được triển khai đồng bộ trên cả nước, với ý chí thống nhất cao từ cấp cao tới địa phương sẽ càng tạo được nền tảng và sức mạnh giúp ngành du lịch Việt sớm phục hồi sau cơn “bão” COVID-19, để dần trở lại trạng thái “bình thường mới.”/.
Ý kiến ()