Kịch bản xấu cho tình hình bất ổn ở Afghanistan
Tình hình an ninh bất ổn ở Afghanistan ngày càng nghiêm trọng, trong bối cảnh lực lượng Mỹ ráo riết hoàn tất lộ trình rút quân. Nhiều ý kiến ở cả Afghanistan và Mỹ cảnh báo, kế hoạch đột ngột của Mỹ sẽ gây hậu quả; và nguy cơ tạo ra một kịch bản xấu ở chiến trường Nam Á.
Tháng 8 này, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu kết thúc sự hiện diện tại Afghanistan sau hai thập niên, trong khi phần lớn các vùng lãnh thổ tại quốc gia Nam Á đang hứng chịu làn sóng tấn công dồn dập của Taliban. Washington liên tiếp trấn an Chính phủ Afghanistan rằng, họ sẽ nối lại các cuộc không kích nhằm hỗ trợ lực lượng sở tại khôi phục an ninh, giảm bạo lực. Song, nỗi bất an vẫn thường trực và viễn cảnh nội chiến dần trở thành “điều khó tránh khỏi” tại Afghanistan.
Trong bài viết ngày 2/8, hãng tin Nga Sputnik dẫn lời Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nêu rõ, việc lực lượng Mỹ đột ngột rời đi đã “góp phần” khiến tình hình an ninh tại Afghanistan trở nên tồi tệ hơn. Phát biểu trước Quốc hội, ông Ghani cảnh báo, kế hoạch rút quân của Mỹ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế, Taliban không ngừng tấn công trên khắp Afghanistan những ngày qua. Hiện các lực lượng Chính phủ và Taliban đang ở thế giằng co ở nhiều khu vực; có tới một nửa số thủ phủ các tỉnh của Afghanistan đang chống chọi các cuộc tấn công, hoặc các mối đe dọa trực tiếp từ Taliban. Ðáng nói là, phần lớn trong số các vùng lãnh thổ là do Taliban chiếm đóng kể từ khi Mỹ khởi động lộ trình rút quân hồi tháng 5 vừa qua.
Trong khi đó, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Paetraus cảnh báo, Afghanistan có thể rơi vào nội chiến sau khi Mỹ đưa toàn bộ binh sĩ về nước, dự kiến vào ngày 31/8 tới. Song, theo cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan này, viễn cảnh xấu như vậy có thể được ngăn chặn nếu Mỹ lưu lại lực lượng hỗ trợ tại Afghanistan.
Lầu năm góc đang ráo riết thực hiện mục tiêu rút hết lực lượng khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 tới, đánh dấu 20 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng ở New York, khơi mào cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử Mỹ. Nhà trắng kiên quyết bảo vệ quyết định rút quân, khi khẳng định đã hoàn tất mục tiêu đánh bại tổ chức khủng bố Al-Qaeda, loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng với an ninh của nước Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của giới quan sát vẫn cảnh báo rằng, hành động rút quân nhanh chóng mà bỏ qua hậu quả là một sai lầm, có thể gây tổn hại an ninh quốc gia của chính Mỹ. Ít nhất, Mỹ thiếu các nguồn tin tình báo đáng tin cậy ở khu vực, khi không còn chỗ đứng tại Afghanistan.
Ý kiến ()