Kịch bản nào cho cuộc khủng hoảng ở Li-bi?
Cùng chịu chung số phận trong cơn bão chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông diễn ra gần được hai tháng, Li-bi thuộc khu vực “mắt bão” chính trị – dầu mỏ, nên tình hình diễn ra khá quyết liệt. Đây không chỉ phản ánh mâu thuẫn nội bộ của quốc gia này, mà còn phản ánh lợi ích của các thế lực bên ngoài, với các toan tính chiến lược khác nhau.Vì thế, cộng đồng quốc tế đang lo ngại sâu sắc về hậu quả cộng hưởng của hai cơn bão: tài chính - kinh tế toàn cầu và chính trị - dầu mỏ khu vực.Tình hình vẫn rất căng thẳngTheo Reuters và các hãng tin nước ngoài, tình hình tại miền đông Li-bi, khu vực giàu dầu mỏ hiện do lực lượng đối lập kiểm soát, tiếp tục căng thẳng. Ngày 4-3, ngày thứ ba liên tiếp máy bay quân sự của chính phủ tiếp tục ném bom xuống các khu vực tại thị trấn Bre-ga, gần TP Ben-ga-di, nơi được coi là căn cứ chủ lực của lực lượng đối lập.Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục kêu gọi quốc tế can thiệp nhằm ngăn...
Vì thế, cộng đồng quốc tế đang lo ngại sâu sắc về hậu quả cộng hưởng của hai cơn bão: tài chính – kinh tế toàn cầu và chính trị – dầu mỏ khu vực.
Tình hình vẫn rất căng thẳng
Theo Reuters và các hãng tin nước ngoài, tình hình tại miền đông Li-bi, khu vực giàu dầu mỏ hiện do lực lượng đối lập kiểm soát, tiếp tục căng thẳng. Ngày 4-3, ngày thứ ba liên tiếp máy bay quân sự của chính phủ tiếp tục ném bom xuống các khu vực tại thị trấn Bre-ga, gần TP Ben-ga-di, nơi được coi là căn cứ chủ lực của lực lượng đối lập.
Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục kêu gọi quốc tế can thiệp nhằm ngăn chặn các vụ ném bom của quân đội chính phủ. Hội đồng Quốc gia Li-bi vừa được phe đối lập dựng lên tuyên bố không tham gia đàm phán với chính phủ, sau khi có tin ông Ca-đa-phi cử một phái viên tới thương lượng. Hội đồng này tuyên bố nếu có thương thảo, thì chỉ bàn vấn đề ông Ca-đa-phi phải chấm dứt cầm quyền và rời khỏi đất nước.
Hãng tin Reuters ngày 2-3 còn dẫn nguồn tin từ các thành viên phe nổi dậy cho biết, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi đã chiếm lại thị trấn Bre-ga ở miền Đông nước này. Dấu hiệu đầu tiên trong chiến dịch phản công của nhà lãnh đạo Li-bi tại khu vực phía Đông do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Cùng ngày, kênh truyền hình vệ tinh Al Arabiya đưa tin, các lực lượng của ông Ca-đa-phi đang mạnh mẽ tiến vào các thị trấn ở miền Đông của Li-bi hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Trong khi đó, các thủ lĩnh phe nổi dậy, lực lượng hiện chiếm giữ một số vùng miền Đông Li-bi cho biết, lực lượng này đã thành lập một hội đồng quân sự và đang tuyển quân, gồm những người tình nguyện hoặc binh sĩ đào ngũ. Một sĩ quan quân đội chính phủ gia nhập phe đối lập cho biết, lực lượng này đã thu nạp được hơn 10.000 người tại A-đa-bi-a, cách thủ đô Tri-pô-li khoảng 800km.
Bất đồng về giải pháp
Tân Hoa xã cho biết, ông Ca-đa-phi đang chịu sức ép ngày càng tăng từ phương Tây đòi ông từ chức. Phát biểu ý kiến tại Washington ngày 4-3, TTh Mỹ B.Ô-ba-ma một lần nữa nhắc lại yêu cầu ông Ca-đa-phi rời bỏ quyền lực, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế nhất trí về kế hoạch thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Li-bi. Anh và Pháp đã bày tỏ ủng hộ đề xuất này của Mỹ. Sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp A.Giuýp-pê, Bộ trưởng Ngoại giao Anh U.Ha-gơ cho biết, Anh và Pháp muốn thực hiện các biện pháp mạnh hơn và sẽ đưa đề xuất này tại Hội nghị cấp cao EU bàn về tình hình Li-bi vào ngày 11-3.
Tổng Thư ký NATO ông A.Ra-xmút-xen lại tuyên bố NATO không có ý định can thiệp quân sự vào Li-bi, nhấn mạnh rằng chỉ có Hội đồng Bảo an LHQ mới có thẩm quyền đối với vấn đề này. Tại cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao các nước Trung Âu tại Xlô-va-ki-a, Bộ trưởng Ngoại giao Đức G.Vét-xte-vên-lơ cho biết, Đức phản đối mọi sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Li-bi và sẽ không tham gia, không thảo luận về giải pháp này. Tổng thống Nga ông Đ.Mét-vê-đép cảnh báo tình hình tại Li-bi “đang bên bờ cuộc nội chiến”, nhưng cũng không ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự. Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Li-bi…
Vê-nê-xu-ê-la đề xuất làm trung gian đàm phán giữa chính phủ của ông Ca-đa-phi với phe đối lập ở Li-bi, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết nói rằng, nhà lãnh đạo Ca-đa-phi đã nhất trí đề xuất trên. Tuy nhiên, theo Reuters dẫn lời một quan chức Li-bi nói rằng, chính phủ nước này hoan nghênh đề xuất này, nhưng hiện vẫn chưa cần tới sự giúp đỡ của Vê-nê-xu-ê-la. Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng Quốc gia Li-bi của phe đối lập bác bỏ mọi sự trung gian đàm phán giữa lực lượng này với chính phủ.
Kịch bản nào vẫn còn chưa ngã ngũ
Trong khi tình hình Li-bi đang hết sức khẩn trương và phức tạp, cộng đồng quốc tế cũng đang tranh luận xem có nên đưa ra biện pháp cứng rắn hơn với Li-bi như can thiệp quân sự hay không. Mỹ là nước tỏ ra “sốt sắng” cho việc chuẩn bị can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Li-bi với việc tàu đổ bộ tấn công của nước này USS Kearsarge, chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ, cùng hai tàu hải quân khác đã đi qua kênh đào Xuy-ê và đang tiếp cận vùng biển của Li-bi.
Theo kịch bản của Mỹ đưa ra: Lầu Năm Góc sẽ thực hiện những “cú đánh trọng điểm” hỗ trợ cho 'chính phủ lâm thời', được phe đối lập dựng lên tại thành phố Ben-ga-di. Mỹ cũng không loại trừ khả năng sẽ cung cấp vũ khí cho 'chính phủ' này để đối phó với phe trung thành với ông Ca-đa-phi. Mỹ cũng đang vận động nhằm thiết lập vùng cấm bay đối với Li-bi.
Tuy nhiên, đồng minh NATO lại chưa sẵn sàng ủng hộ Mỹ. Những nước lớn khác như: Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp cũng tuyên bố không tán thành việc chuyển sang hoạt động chiến sự và cho rằng, vẫn còn các phương pháp khác giải quyết xung đột. Giải thích lý do không nên tấn công quân sự, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp cho rằng, vấn đề của Li-bi, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông, phải do chính dân tộc họ giải quyết, không có sự ép buộc từ bên ngoài.
V.Côn-ta-sốp, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Viện Toàn cầu hóa và các chuyển động xã hội Nga cho biết hiện có sự nghi ngờ những thay đổi tiếp theo ở Li-bi có khả năng dẫn tới xung đột vũ trang đẫm máu hơn. Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) tuyên bố phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự vào Li-bi. Bộ Ngoại giao I-ran cũng cảnh báo phương Tây không được can thiệp quân sự vào Li-bi, không nên lợi dụng biểu tình để biến Li-bi thành một căn cứ quân sự. Ngày 2-3, các Ngoại trưởng của 22 nước thành viên Liên đoàn A-rập (AL) họp tại Cai-rô (Ai Cập) để đánh giá tình hình Li-bi và thống nhất một nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự vào Li-bi. EU cũng sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 11-3 tới ở Brúc-xen (Bỉ) nhằm đưa ra một cách thức phản ứng chung của khối về vấn đề Li-bi.
Như vậy, kịch bản nào cho tình hình khủng hoảng ở Li-bi vẫn còn chưa ngã ngũ. Vì thế, dư luận quốc tế lo ngại sâu sắc về sự cộng hưởng của hai cơn bão tài chính – kinh tế toàn cầu và chính trị – dầu mỏ khu vực là có cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()