Thứ 6, 22/11/2024 23:29 [(GMT +7)]
Kịch Bắc chinh phục khán giả TPHCM
Chủ nhật, 11/03/2012 | 10:52:00 [(GMT +7)] A A
Khán giả TPHCM tìm thấy được hương vị đặc trưng của kịch Bắc, đó là sự chuẩn mực trong diễn xuất, nghiêm túc trong bố cục, phóng khoáng nhưng nền nã.
25 thành viên của Đoàn 1 Nhà hát Tuổi Trẻ đã trải qua chặng đường 5 ngày đêm trên xe tải để vào đến TPHCM với một quyết tâm rất cao: Tái ngộ khán giả TPHCM sau 2 năm vắng mặt. Rạp Công Nhân – thủ phủ của Nhà hát Kịch TPHCM đã “chia lửa” cho đợt vào Nam của Đoàn 1 Nhà hát Tuổi Trẻ lần này. Đáp lại, khán giả TPHCM đã nồng nhiệt đón chào họ bằng thái độ trân trọng qua những suất diễn từ ngày 8 đến 11-3.
Trong chuyến vào Nam lần này, Đoàn 1 Nhà hát Tuổi Trẻ mang theo 2 vở Nhà có 5 anh em trai và Cô gái đội mũ nồi xám để “thử xem khán giả TP còn mê kịch Bắc” như lời NSƯT Anh Tú.
Nghệ sĩ Thu Hương (trái) và Duy Anh trong vở Cô gái đội mũ nồi xám
Câu chuyện Nhà có 5 anh em trai được cảm tác từ truyện ngắn Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Dưới bàn tay của đạo diễn NSƯT Anh Tú, khán giả TPHCM đã tìm thấy được hương vị đặc trưng của kịch Bắc, đó là sự chuẩn mực trong diễn xuất, nghiêm túc trong bố cục, phóng khoáng nhưng nền nã.
Năm người đàn ông trong vở kịch, 5 anh em ruột, 5 “cái tôi”, với không ít những đố kỵ, bức xúc riêng tư, ganh ghét rất con người và mưu tính dục vọng để vươn tới đích sống duy nhất: hạnh phúc. Họ được tác giả và đạo diễn ví như kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tồn tại trong kịch tương sinh, tương khắc lẫn nhau. Nhưng trên hết vẫn là sự yêu thương, cảm thông và chia sẻ.
Đến cuối tháng 8 này đã là 24 năm trôi qua, kể từ ngày cố tác giả Lưu Quang Vũ vĩnh biệt cõi đời, thế nhưng cho đến hôm nay, hơi thở thời đại trong các tác phẩm sân khấu của ông vẫn luôn tạo sức hút mãnh liệt đối với người xem và với bản dựng Cô gái đội mũ nồi xám của NSƯT Anh Tú đã thật sự chạm tới nhiều mặt của cuộc sống hôm nay.
Vở kịch khuấy động lòng người trước nghị lực muốn thay đổi của một cô gái trẻ, đó là Trâm – người phụ nữ sau những vấp ngã, đổ vỡ trên đường đời đã đứng lên tìm hạnh phúc cho mình. Xem vở diễn này khán giả TPHCM thích thú bởi câu chuyện có hậu nhưng đầy kịch tính. Số phận của nhân vật Trâm quyết liệt nhưng lãng mạn không kém những vai kịch ướt đẫm tình cảm theo kiểu “kịch Sài Gòn”. Nhưng trên hết vẫn là vẻ đẹp về thân phận của những con người dám dấn thân, dám sống, dám mơ ước… Nghệ sĩ Thu Hương đã diễn xuất thần vai diễn này.
Xem vở diễn, tưởng kịch Lưu Quang Vũ ra đời cách đây gần 30 năm sẽ lạc hậu với thời buổi kinh tế hội nhập, khủng hoảng vì những “cơn bão giá” nhưng Cô gái đội mũ nồi xám, với những bức xúc của đời sống xã hội trong thời giá, lương, tiền vẫn nguyên vẹn tính thời sự.
NSƯT Anh Tú cho biết: “Chúng tôi tập làm kịch theo kiểu xã hội hóa như miền Nam được vài năm nay, đời sống anh em khá hơn vì có nhiều kịch mục gần gũi với đời sống. Đến TPHCM lần này được công chúng đón nhận là sự khích lệ rất lớn đối với chúng tôi”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()