Khuyến khích sáng tạo, tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ
Những đồ chơi tự tạo ngoài trời giúp trẻ tăng khả năng vận động, phát triển thể chất. |
Xốp, vải vụn, dây thừng, giấy báo, săm lốp, lon bia, hộp sữa… những đồ phế liệu tưởng như không còn giá trị sử dụng đã được các cô giáo mầm non ở tỉnh Vĩnh Phúc khéo léo làm thành các sản phẩm đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt, an toàn, có tính ứng dụng thực tế cao. Việc tận dụng những nguyên, vật liệu thiên nhiên và phế liệu làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, giúp con trẻ hứng thú với giờ học, khơi nguồn sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Có mặt trong giờ học về thế giới thực vật của lớp bốn tuổi, Trường mầm non Thanh Vân (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), chúng tôi bất ngờ khi tiết học được cô giáo chuẩn bị học cụ sinh động, với đủ các loại đồ chơi là rau, củ, quả được làm bằng vải và bông do chính bàn tay khéo léo của các cô giáo nhà trường. Các cháu say sưa nghe cô giáo nói về đặc điểm, mầu sắc và công dụng của các loại củ, quả như: Cà-rốt, bí đao, mướp, bí ngô… Quan sát từ trong lớp học ra ngoài sân trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi do các cô tự sáng tạo như: Thú nhồi bông, tranh ghép hình con vật, bình hoa, làn, túi xách, bập bênh, cầu chui, cầu khỉ… với độ an toàn cao, có giá trị sử dụng lâu dài. Cô giáo Bùi Thị Thu Nga chia sẻ: Ðồ dùng, đồ chơi là nhu cầu thiết yếu giúp các con phát huy được tính sáng tạo, tăng hoạt động thể lực, phát triển về trí tuệ và thể chất. Bên cạnh đó, những đồ chơi thực tế giúp các con hứng thú, kích thích sự tò mò, khám phá, ham hiểu biết, phát huy được tính tích cực của trẻ. Từ những nguyên vật liệu dễ kiếm, tận dụng những vật dụng tưởng như bỏ đi, như dây thừng cũ, tất tay hỏng, bông vải vụn, vỏ chai nhựa các loại, bìa lịch cũ, sách báo, vỏ sò, đá cuội… các cô đã sáng tạo ra nhiều loại đồ chơi phong phú giúp cho trẻ học tập ở lớp cũng như hoạt động ngoài trời.
Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Vân Nguyễn Thị Hải cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của việc tự làm đồ dùng, đồ chơi để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên và phụ huynh. Từ những chủ đề cụ thể, mỗi giáo viên nhà trường đã phát huy tính chủ động, tạo ra những đồ dùng, đồ chơi không những bền đẹp mà còn có giá trị sử dụng cao. Ðồng thời, nhà trường cũng chú trọng việc khen thưởng, động viên kịp thời những giáo viên điển hình, sáng tạo ra các sản phẩm đồ dùng, đồ chơi có chất lượng trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Vĩnh Phúc hằng năm đều chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi. Ðây là tiêu chí bình xét thi đua hằng năm của các trường, đồng thời tạo ra những sân chơi khuyến khích các nhà trường, giáo viên mầm non sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, tiết kiệm kinh phí. Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Hiện nay, tất cả các đơn vị, nhà trường trong bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi. Trong đó, nhiều trường thực hiện tốt phong trào được Bộ GD và ÐT đánh giá tốt như: Trường mầm non Sơn Ðông (huyện Lập Thạch), Trường mầm non Hoa Mai (huyện Bình Xuyên), Trường mầm non Ðồng Tĩnh, Trường mầm non Thanh Vân (huyện Tam Dương).
Để phát triển hơn nữa phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi, Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức, phát động các cuộc thi, hội thi như: Trưng bày và làm đồ dùng, đồ chơi mầm non tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm… Từ cuộc thi, ban tổ chức đánh giá các đơn vị đã đầu tư công sức, trí tuệ và thời gian gia công, tập luyện làm ra nhiều loại đồ dùng, đồ chơi sáng tạo, bền, đẹp, có tính giáo dục cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với trẻ. Việc tự làm đồ dùng, đồ chơi trong các trường mầm non góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh.
Ý kiến ()