Khuyến khích nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với từng lứa tuổi và tiếp tục được rèn luyện theo mức độ tăng dần.
Đối với trẻ mầm non, hoạt động giáo dục kỹ năng sống tập trung vào giúp trẻ nhận thức về bản thân: sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản; hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết: thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường.
Đối với học sinh tiểu học: Tiếp tục rèn luyện những kỹ năng đã được học ở mầm non, tập trung hình thành cho HS kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,… tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của HS.
Đối với học sinh trung học và học viên GDTX cấp THCS và cấp THPT, tiếp tục rèn luyện những kỹ năng đã được học ở tiểu học, tập trung giáo dục những kỹ năng sống cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực cho người học như: kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng tự nhận thức và cảm thông, kỹ năng quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực, kỹ năng tự học.
Đối với người học tại các trung tâm học tập cộng đồng: Tập trung bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hình thành và phát triển một số kỹ năng cơ bản như: kỹ năng học và tự học suốt đời; kỹ năng phát triển cá nhân và nghề nghiệp; kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả; kỹ năng giao tiếp và tạo lập quan hệ xã hội; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng chấp nhận sự khác biệt; kỹ năng lựa chọn lối sống khỏe mạnh; kỹ năng làm việc thiện nguyện và phục vụ cộng đồng.
Các cơ sở giáo dục có thể chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống hoặc liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Để đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống, khuyến khích các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị vừa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho người học vừa có chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời nhà trường giáo dục kỹ năng sống thông qua việc tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáodục;Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường…
Ý kiến ()