Khuyến khích nhà trường dành 1 tiết/1 tuần cho học sinh đọc sách
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm đề nghị tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám.
Mục đích của hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng ham mê đọc sách, hình thành thói quen đọc, ý thức tự học thường xuyên, suốt đời của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, trong đó chú ý phát huy vai trò của hệ thống thư viện trường học, phối hợp với các thư viện công cộng trên địa bàn để tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu; tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, tích cực xây dựng các góc đọc, thư viện trong các trung tâm học tập cộng đồng, quan tâm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng…
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, khuyến khích các nhà trường sắp xếp thời gian 1 tiết/1 tuần cho học sinh được tự đọc sách tại thư viện, dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và nhân viên thư viện; chú trọng hướng dẫn cho học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và tìm kiếm, chọn lọc, sử dụng thông tin trên mạng internet.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, hoạt động đọc sách cùng con tại trường và đọc sách cùng con tại nhà; hướng dẫn con biết cách sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử để truy cập internet và tìm đọc những cuốn sách hay phù hợp với lứa tuổi.
Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm phát huy vai trò trong việc cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử…) để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và người dân trong cộng đồng.
Ý kiến ()