Khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn
Dây chuyền sản xuất giấy ở Công ty TNHH Lee&Man Việt Nam (Hậu Giang).
Mang lại nhiều lợi ích
Theo quy trình sản xuất tại các nhà máy bia Heineken Việt Nam, phần lớn năng lượng đầu vào đang sử dụng điện sinh khối được sản xuất từ vỏ trấu và phế thải đồng ruộng. Bên cạnh đó, rác thải chính ở đầu ra là bã bia đã được tận dụng để sản xuất thức ăn gia súc; nước thải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn để làm vệ sinh và tưới cây; khí sinh học thu từ nước thải được tận dụng vào nhiều quy trình sản xuất khác;… Mô hình tập trung vào việc tái sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất thành nguyên liệu mới thay vì tìm kiếm và khai thác tài nguyên thiên nhiên mà Heineken Việt Nam đang áp dụng được gọi là KTTH. Theo các chuyên gia, mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) mà con người vẫn áp dụng từ trước đến nay chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ. Ðường thẳng này dẫn đến nguồn tài nguyên sẽ ngày càng cạn kiệt, đồng thời tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, gây áp lực lớn lên môi trường. KTTH là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bởi mô hình này chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng hay tái chế. Do đó, KTTH sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của vật chất (nhiên liệu – nguyên vật liệu) và giảm lượng rác thải đang tác động tiêu cực đến môi trường.
Thực tế, tại Việt Nam, KTTH đã manh nha từ lâu như các mô hình vườn – ao – chuồng trong lĩnh vực nông nghiệp hay các chương trình tiêu dùng xanh, chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn,… Đáng chú ý, không ít các doanh nghiệp, tập đoàn cũng đang coi KTTH như một xu thế để hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam Mát Uyn-xơn chia sẻ: Gần đây, một số quan điểm cho rằng phát triển bền vững như mô hình KTTH luôn đi kèm với tiêu tốn chi phí. Tuy nhiên, từ thực tế của Heineken thì quan niệm này không chính xác và thậm chí còn ngược lại. Thí dụ, việc sử dụng năng lượng sinh khối để nấu bia của Heineken đã giúp tiết kiệm chi phí cũng như vốn đầu tư. Có thể nói, trong quá trình triển khai mô hình KTTH, kể cả khi doanh nghiệp cần đầu tư vốn ban đầu thì cũng sẽ nhanh chóng thu hồi lại nhờ tiết kiệm được chi phí trong suốt thời gian thực hiện. Tổng Giám đốc Công ty giấy Lee&Man Việt Nam P.Chung cũng cho biết: Hiện khoảng 95% số nguyên liệu đầu vào của nhà máy sản xuất giấy Lee&Man là nguyên liệu tái chế. Thông thường, để có một tấn bột giấy nguyên liệu, người ta phải chặt 23 cây xanh và để sản xuất bột giấy từ gỗ, cần nhiều quy trình, tốn nhiều năng lượng và nước sạch. Trong khi đó, sử dụng nguyên liệu tái chế sẽ giúp tiết kiệm 35% lượng nước so với phương pháp truyền thống.
Hệ sinh thái hỗ trợ
Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhận thức rất rõ lợi ích của KTTH, đồng thời đã áp dụng để thực hiện cam kết kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển doanh nghiệp bền vững. Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp đã có năm sáng kiến rất thiết thực, gồm: Thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 có 100% số doanh nghiệp tham gia liên minh này tái chế toàn bộ phế phẩm của mình, không xả thải vào thiên nhiên; dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; thực hiện sử dụng rác thải nhựa tái chế làm đường giao thông; xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những bước chuyển của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các sáng kiến khác nhau về phát triển bền vững. Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho rằng: Vai trò của Chính phủ là hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp triển khai các mô hình KTTH. Đầu tiên, cần rà soát lại các khuôn khổ pháp lý, tạo ra một hành lang, hệ sinh thái tốt trong việc hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế mới này. Bên cạnh đó, những hoạt động nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về lợi ích của KTTH cũng rất quan trọng. Chắc chắn trong thời gian tới, sau khi xem xét, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, VCCI sẽ đề nghị Chính phủ xây dựng một bộ luật riêng về KTTH. Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại và phát triển bền vững của Tập đoàn Unilever Việt Nam Đỗ Thái Vương góp ý: Những công ty có cùng khát vọng phát triển bền vững nên liên kết lại với nhau dưới dạng thành lập các liên minh. Chính phủ với vai trò kiến tạo sẽ đứng ra để định hướng cho các phong trào đó, tránh sự phát triển tự phát cũng như đưa ra những khung pháp lý, cơ chế, chính sách đồng bộ thúc đẩy, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Riêng về kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, ông P.Chung chia sẻ: Phát triển bền vững bản chất là chủ trương được khuyến khích chứ không mang tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Do đó, phát triển bền vững không chỉ liên quan đến khả năng định hướng của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của những người đứng đầu doanh nghiệp. Trong đó, thách thức lớn nhất khi theo đuổi mục tiêu này là phải cân nhắc rất nhiều khía cạnh như tài chính, nguồn lực hay tầm nhìn. Doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức hay các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Và nếu không cân nhắc kỹ, doanh nghiệp khó có thể theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững một cách đúng nghĩa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()