Khuyến khích hỗ trợ áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất
![]() |
Mô hình trồng chuối tiêu hồng của nông dân xã Xuân Mãn (Lộc Bình) được hỗ trợ, khuyến khích theo Quyết định số 25 ngày 11/1/2012 của UBND tỉnh |
Quyết định 25/QĐ-UBND Lạng Sơn, ngày 11/1/2012 (ban hành quy định tạm thời một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015) là bước khởi động mới cho việc hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng kết quả nghiên cứu đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống. Trong gần 5 năm, chính sách này tạo cơ hội cho nhiều tổ chức, cá nhân có nguồn kinh phí hoạt động. Từ năm 2012 – 2015, 7 đề tài, dự án nghiên cứu (đã được hội đồng KH&CN cấp tỉnh nghiệm thu) đã được hỗ trợ mở rộng kết quả nghiên cứu với trên 105 mô hình được xây dựng và nguồn kinh phí hỗ trợ là gần 1,1 tỷ đồng.
Thông qua việc hỗ trợ mở rộng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống đã có gần 250 lượt hộ nông dân được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật tại đồng ruộng. Các mô hình được hỗ trợ mở rộng đều là mô hình đã được nghiên cứu, có kết quả phù hợp với điều kiện thực tế và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình thâm canh chuối tiêu hồng tại huyện Lộc Bình đạt khoảng 200 triệu đồng/ha; mô hình thâm canh tổng hợp phát triển khoai môn tại huyện Tràng Định đạt khoảng 105 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh đối kháng bệnh hại cho cây khoai tây tại huyện Cao Lộc và Lộc Bình đạt khoảng 67 triệu đồng/ha; mô hình nuôi giống gà lai VCN-G15 hướng trứng thương phẩm tại huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn đạt khoảng 18 triệu đồng/100 con…
Chính sách hỗ trợ của tỉnh nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân. Từ đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp thêm kinh phí thực hiện mô hình. Từ năm 2012 đến nay, các hộ dân đối ứng gần 2,7 tỷ đồng để triển khai, thực hiện. Ông Hoàng Văn Du, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu nuôi gà theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả không cao. Năm 2015, tôi được hỗ trợ kinh phí và quy trình kỹ thuật để thực hiện mô hình nuôi gà lai VCN-G15 hướng trứng thương phẩm. Tôi đã nuôi thành công 100 con và thường xuyên có trứng gà cung cấp ra thị trường.
Để tiếp tục có thêm nhiều mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, năm 2016, Lạng Sơn có các chính sách mới trong việc khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất (Nghị quyết 09/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 của HĐND tỉnh, Quyết định 41 của UBND tỉnh ngày 9/9/2016). Đây tiếp tục là đòn bẩy cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các hộ nông dân có mong muốn ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các đề tài, dự án KH&CN thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được hỗ trợ kinh phí mở rộng từ 10 – 20 mô hình/đề tài, dự án với tổng thời gian hỗ trợ từ 12 – 36 tháng. Nội dung hỗ trợ gồm: kinh phí chỉ đạo kỹ thuật, chi phí mua giống, vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng sản xuất. Mức hỗ trợ kinh phí dao động từ 30% – 100%.
Trên thực tế, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có, tuy nhiên do nhận thức của một số hộ dân và sự vào cuộc thiếu tích cực của chủ nhiệm các đề tài KH&CN nên chính sách còn khó đưa vào thực tiễn. Từ năm 2016 đến nay mới chỉ có 1 đề tài đăng ký mở rộng (mô hình trồng xoài xanh) vào sản xuất, tuy nhiên do người dân không mặn mà nên chưa được áp dụng triển khai. Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới cần hơn nữa sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chủ nhiệm các đề tài, dự án và sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Có như vậy chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất mới đem lại hiệu quả, không những tạo ra nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Ý kiến ()