Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chọn tạo giống bò
Ngành chăn nuôi bò trong nước sẽ không thể phát triển bền vững nếu phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu con giống từ nước ngoài. Bởi tiềm ần nhiều rủi ro về số lượng cung, dịch bệnh, môi trường,… vì vậy, việc chủ động đầu tư cho việc chọn tạo con giống là nhiệm vụ quan trọng của ngành chăn nuôi bò.
Xung quanh vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tống Xuân Chinh đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, hiện nay, tình hình nhập khẩu đàn bò ở nước ta như thế nào?
Ông Tống Xuân Chinh:Hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 5,2 triệu con bò, trong đó mỗi năm chúng ta nuôi 1,7 triệu con để cung cấp sản phẩm thịt. Do nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng lớn, đồng thời chúng ta có thể xuất khẩu tiểu ngạch nữa cho nên nhu cầu về thịt bò ở nước ta khá cao. Vì vậy, các doanh nghiệp trong giai đoạn ban đầu nhập bò sống từ Úc về vỗ béo là nhu cầu cấp thiết.
Với việc nhập khẩu bò từ Úc thì Việt Nam chúng ta nằm thứ ba, chỉ sau Indonexia và Trung Quốc. Việc nhập khẩu bò giúp các doanh nghiệp Việt Nam có công ăn việc làm, tạo ra giá trị gia tăng thông qua vỗ béo bò tơ trong khoảng hơn 100 ngày. Trong khoảng thời gian này, khối lượng tăng trọng của đàn bò sẽ tạo ra giá trị gia tăng. Nếu chúng ta nhập những con bò loại thải, hoặc những con bò lớn mà giết thịt ngay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường và dịch bệnh. Hầu như các nước không áp dụng con đường này mà chỉ cho nhập giống về, khi cần nhập khẩu sẽ cho nhập trực tiếp sản phẩm đông lạnh.
Tuy nhiên, về chiến lược lâu dài các doanh nghiệp cần chủ động nhập các đàn bò nền và giống tốt ở các nước như Úc, Mỹ, Canada,…để chúng ta từng bước chọn tạo và nhân giống, nhằm giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu, đây là hướng đi rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là chúng ta chưa thể chủ động 100% trong công tác này.
Một vấn đề nữa là hiện nay, chúng ta chủ yếu mới chỉ nhập giống bò từ Úc về, nguồn giống từ Thái Lan, Ấn Độ, Lào,…cũng tương đối cạn kiệt, việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT có quan điểm là tìm hiểu thêm những thị trường tiềm năng ở Nam Mỹ như Colombia, Baraxin, Achentina,… là những nước còn nguồn bò rất lớn, đây là nguồn quan trọng để chúng ta nhập về để vỗ béo, từ đó cho nhiều nguồn sản phẩm có cạnh tranh cao và giảm giá thành.
PV: Để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, hướng lai tạo đàn bò trong nước của chúng ta được xác định như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh:Chúng ta có nhiều cách làm. Trong đó nên có 3 loại giống bò thịt phù hợp khác nhau, đó là sử dụng bò chất lượng cao có máu lai lớn, lai với bò có máu bò Zêbu trên 75% để tạo ra bò lai chất lượng cao. Đây là giống bò áp dụng cho các doanh nghiệp lớn sản xuất. Còn lại chúng ta sử dụng bò có 75% máu bò Zêbu nuôi vỗ béo ở các trang trại. Ở các nông hộ, chung ta cần có nhiều cách nuôi khác nhau, các giống bò riêng phù với từng loại hình chăn nuôi, địa hình và điều kiện sinh thái của từng vùng.
PV: Trong việc chọn tạo con giống, doanh nghiệp được cho là đóng vai trò nòng cốt, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Tống Xuân Chinh:Do chương trình chọn tạo giống bò cần phải làm nhiều năm, có thể kéo dài 10-15 năm, vì vậy, nguồn ngân sách nhà nước hạn hữu nên thực hiện chương trình rất khó khăn. Vì vậy, rất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc chọn tạo giống bò.
Ở quan điểm của Cục Chăn nuôi, nguồn ngân sách nhà nước nên tập trung vào công tác quản lý về giống, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Khi cần nhập một giống mới đưa về Việt Nam để tăng cường nguồn gen thì chúng ta phải có đầu tư của nhà nước để khảo nghiệm, sau khi khảo nghiệm đáp ứng các tiêu chí sẽ đưa vào danh mục để nhập về. Thêm nữa là mỗi năm cần có 1 cuộc thi, hội đồng đánh giá để lựa chọn các con giống tốt của các doanh nghiệp để công bố trên toàn quốc để người dân biết và lựa chọn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()