Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trồng rau sạch
Với người Việt Nam, rau quả là một món không thể thiếu trong bữa ăn. Tuy nhiên, "rau bẩn" đang thành nỗi lo của không ít người. Và trong khi người tiêu dùng đang phải tự mày mò tìm kiếm những nhà cung cấp rau an toàn (RAT) thì bản thân các doanh nghiệp sản xuất RAT cũng đang phải vật lộn trong thương trường để có thể đưa được RAT đến với người tiêu dùng.Hằng ngày, những thông tin về thực trạng của việc sản xuất 'rau bẩn' chiếm đến 80% thị trường rau trong nước, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Nào là các loại thuốc BVTV, thuốc trừ sâu cực độc của Trung Quốc được người nông dân sử dụng để tạo ra những loại 'rau đẹp'. Nào là tình trạng thu hoạch rau trước thời hạn cách ly. Nào là chuyện bón phân, tưới nước thải dưới cống ngầm với vô số các chất thải và xác động vật thối rữa cho rau. Các cơ quan thanh tra, quản lý thì hễ cứ đụng đến quầy rau nào ở chợ cóc thì đa phần đều không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.Mới...
Hằng ngày, những thông tin về thực trạng của việc sản xuất 'rau bẩn' chiếm đến 80% thị trường rau trong nước, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Nào là các loại thuốc BVTV, thuốc trừ sâu cực độc của Trung Quốc được người nông dân sử dụng để tạo ra những loại 'rau đẹp'. Nào là tình trạng thu hoạch rau trước thời hạn cách ly. Nào là chuyện bón phân, tưới nước thải dưới cống ngầm với vô số các chất thải và xác động vật thối rữa cho rau. Các cơ quan thanh tra, quản lý thì hễ cứ đụng đến quầy rau nào ở chợ cóc thì đa phần đều không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra tiêu chuẩn VIETGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam.
Đây là một tiêu chuẩn khắt khe và nguyên tắc, trình tự, hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu hoạch và sơ chế bảo đảm an toàn.
Chính bởi những quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi số vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận mang lại thì chưa cao, cho nên có rất ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ còn một vài công ty với tâm huyết và nguồn lực tài chính ổn định mới có thể tồn tại trong lĩnh vực sản xuất RAT. Điển hình như Công ty CP đầu tư Tonkin với thương hiệu rau sạch Lộc Xuân – được ví như sự 'tinh khôi từ lòng đất'. Đây là dự án thí điểm sản xuất RAT theo mô hình nông thôn mới của UBND thành phố Hà Nội, với diện tích 79,5 ha tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Để có được lứa rau đầu tiên, với sản lượng ban đầu đạt từ 25 đến 40 tấn rau củ quả/một ngày, doanh nghiệp này đã phải tự mày mò định hướng và tìm lối đi cho mình. Từ việc vận động chính quyền địa phương, nhân dân tham gia vào dự án, đến việc đào tạo, huấn luyện cho nông dân sản xuất theo quy trình khắt khe và nghiêm ngặt để có được RAT. Ưu điểm của dự án này là đem lại nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân: người dân được cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn quy trình và kiểm soát chất lượng bởi đội ngũ kỹ thuật của công ty, đồng thời sản phẩm làm ra cũng được công ty bao tiêu nên người dân rất yên tâm trong việc sản xuất.
Bên cạnh những khó khăn về sản xuất, vấn đề mà đa phần các doanh nghiệp sản xuất RAT này gặp phải vẫn là việc tìm đầu ra ổn định cho RAT, bởi hiện giờ thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chưa rời khỏi các chợ cóc.
Chị Hiền, trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng Techcom-bank tại Ngọc Khánh cho rằng: 'Hạn chế của siêu thị là rau không nhiều và không được tươi bằng ngoài chợ. Hơn nữa siêu thị lại mở muộn, còn dân văn phòng thì toàn phải tranh thủ đi chợ sớm, cho nên mua hàng tại chợ gần nhà vẫn tiện hơn'.
Khi được hỏi về việc làm thế nào để mua được rau sạch thì phần lớn các bà nội trợ đều nói rằng họ lựa chọn theo kinh nghiệm hoặc mua của người quen. Nhưng cái được gọi là kinh nghiệm đó chỉ hoàn toàn là những gì mắt người nhìn thấy. Còn những chất độc hại được ngấm vào tế bào của rau hoặc quá trình sản xuất 'rau bẩn' đằng sau thì chẳng ai biết được. Thậm chí nhiều người bán rau cũng chẳng biết mớ rau họ đang bán có xuất xứ từ đâu bởi họ cũng không phải là người trồng. Vì thế mà người phun thuốc cứ phun thuốc, người bán cứ bán, người ăn cứ ăn còn người bị ngộ độc thì vẫn cứ ngộ độc.
Vì vậy, để đưa được rau sạch đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp như Lộc Xuân vẫn phải quyết tâm tìm mặt bằng tại chính các chợ trung tâm. Nhưng vấn đề là rau sạch lại không thể 'ngồi chung' với 'rau bẩn'. Chị L.T.P, nhân viên quầy rau sạch Lộc Xuân tại chợ Thành Công cho biết: 'Hằng ngày, chúng tôi phải ngồi nghe không biết bao nhiêu lời gièm pha, chợ búa, thậm chí gây khó dễ… cũng những 'bạn hàng' rau khác trong chợ. Vì vô hình chung, chúng tôi làm mất đi miếng cơm manh áo của họ'.
Chưa kể đến việc những quầy hàng với chỉ vỏn vẹn 2 m2 này đã có giá lên tới gần 10 triệu đồng/tháng thì liệu rằng rau nào lãi cho lại? Hay chăng, tất cả lại được tính vào giá thành của những mớ rau này, để rồi người chịu thiệt cuối cùng lại vẫn là người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần kịp thời vào cuộc để hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất RAT có thể cung cấp sản phẩm ra thị trường một cách rộng rãi với một mức giá ổn định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()