Khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ
Chất lượng sinh hoạt phản ánh sức sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ. Trong đó, đảng viên tham gia phát biểu ý kiến có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đảng viên nhận thức đúng, ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, chính kiến rõ ràng thì nghị quyết của chi bộ sẽ có chất lượng, tính khả thi cao và ngược lại. Vì vậy, việc giáo dục, định hướng, khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ là việc làm hết sức cần thiết.
Bên cạnh ra nghị quyết lãnh đạo, sinh hoạt chi bộ còn là hoạt động thực tiễn để quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Bởi vậy, trước hết, mỗi đảng viên cần nhận thức sinh hoạt chi bộ là một nhiệm vụ quan trọng, tránh tình trạng có mặt chỉ để “điểm danh”, để không bị phê bình, đồng thời cần tích cực phát biểu để bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với các vấn đề của chi bộ, đơn vị, đóng góp, hiến kế xây dựng nghị quyết lãnh đạo… Buổi sinh hoạt chi bộ nếu chỉ có người chủ trì nói, các đảng viên khác chỉ nghe và biểu quyết thì sẽ tẻ nhạt và quan trọng hơn, nhiều vấn đề sẽ không được bàn bạc sâu kỹ. Nếu đảng viên không bày tỏ chính kiến, “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật” thì cũng đồng nghĩa với việc “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, thấy dở không góp ý, thấy tích cực không động viên, khích lệ. Phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ trên tinh thần xây dựng, cầu thị, thẳng thắn, tất cả vì lợi ích chung là yêu cầu, cũng là trách nhiệm của người đảng viên.
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82, Quân khu 2. |
Đại tá, TS Phạm Quang Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị, cho rằng: “Trong sinh hoạt chi bộ, cùng với việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, cần khuyến khích đảng viên phát biểu. Để ý kiến phát biểu có chất lượng, trước hết đảng viên phải nghiên cứu kỹ dự thảo nghị quyết, nắm chắc các vấn đề, nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của từng đảng viên. Mỗi đảng viên cần phát huy trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm của mình, vấn đề nào nhất trí, vấn đề nào không nhất trí, nội dung nào cần bổ sung… Đây cũng là cơ sở để bí thư chi bộ điều khiển buổi thảo luận đúng hướng, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra”. Cùng quan điểm, Trung tá Mai Văn Thể, giảng viên Bộ môn Công tác tổ chức, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị, khẳng định: “Tham gia ý kiến trong sinh hoạt chi bộ là một yêu cầu đối với đảng viên. Để ý kiến có chất lượng, đảng viên phải nghiên cứu kỹ, chú trọng những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề mới, vấn đề khó cần tập trung lãnh đạo… Khi tham gia phát biểu phải thể hiện rõ tính đấu tranh, tinh thần xây dựng nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất cao”.
Là cán bộ trẻ nhưng duy trì sinh hoạt chi bộ khá nền nếp, chất lượng, Trung úy Vũ Xuân Thái, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82 (Quân khu 2), nêu kinh nghiệm: “Tôi thường xuyên quán triệt, nhắc nhở các đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia sinh hoạt chi bộ; chấp hành nghiêm quy định như đến đúng giờ, mang sổ ghi chép đầy đủ, nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan, không sử dụng điện thoại trong thời gian sinh hoạt chi bộ… Đặc biệt, tôi chủ động gợi mở, kết hợp giữa phát huy tinh thần tự giác và chỉ định đảng viên phát biểu. Nhờ đó, các buổi sinh hoạt chi bộ đều khá sôi nổi với những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, có tính phê bình, tự phê bình cao”.
Để đảng viên tích cực, tự giác phát biểu ý kiến, bí thư chi bộ phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, có thái độ cởi mở, chân thành, đồng thời cũng cần quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để đảng viên mạnh dạn thể hiện hết ý kiến của mình. Những ý kiến hợp lý, có tính xây dựng phải được bí thư chi bộ và chi ủy tôn trọng, động viên, khuyến khích, giải đáp, tiếp thu một cách cầu thị. Bên cạnh đó, cần kịp thời chấn chỉnh, đấu tranh phê bình đối với những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng trong trao đổi, thảo luận…
Phát huy tính tích cực, tự giác của đảng viên, động viên, khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến có tính xây dựng sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cũng từ đó mà các đảng viên trong chi bộ sẽ đoàn kết, thống nhất cao hơn, cùng phấn đấu xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()