Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Ngày 22/9, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Trước đó, ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Trong đó nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng…
Có thể thấy rõ, quan điểm về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân được Đảng ta khẳng định và quan tâm cụ thể hơn. Với những chủ trương quan trọng nêu trên, việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người cán bộ làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước, cơ quan, đơn vị đang được đặt thành nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của thực tế cuộc sống, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định số 22 cho chúng ta thấy, Đảng ta khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, trong đó nhấn mạnh công tác này không phải chỉ phát hiện những sai phạm mà còn phải đặc biệt quan tâm việc phát hiện những nhân tố tích cực, con người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, cơ quan, đơn vị, tập thể. Nội dung này sẽ trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của công tác kiểm tra, giám sát, qua đó góp phần phát hiện những cán bộ có năng lực, có đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm, từ đó kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ người cán bộ đó trong quá trình đổi mới.
Một nội dung cần được quan tâm là làm thế nào đồng hành cùng những cán bộ mạnh dạn đổi mới nhưng cũng phải vượt qua được những rào cản, quy định, vướng mắc trong thực tế mà không dẫn đến những vi phạm, không sai lầm. Đó là nền tảng, là cơ sở quan trọng giúp mỗi người cán bộ có thêm điều kiện đạt được thành công trong quá trình đổi mới, sáng tạo với động cơ trong sáng, tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung.
Thực tế cũng cho thấy, có những cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhưng đã gặp phải những rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là còn có những quy định của pháp luật chưa theo kịp cuộc sống, chưa kịp điều chỉnh những khúc mắc, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn. Vì vậy, người cán bộ trong quá trình đổi mới, sáng tạo, có khi, có lúc, có thời điểm vô tình “vượt rào”. Từ đó, có thể mắc phải sai phạm, sai lầm trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức công việc.
Khi gặp vấn đề nêu trên trong quá trình triển khai công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan cùng cán bộ chức năng cần phân tích, nhìn nhận chính xác, khách quan thực trạng để thấy được những yếu tố tích cực trong đổi mới, sáng tạo, từ đó góp ý cho người thực hiện, cũng như đề xuất với các cơ quan, tổ chức thực hiện bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp. Quan trọng hơn, cần góp phần cùng các cơ quan chức năng bảo vệ, phát triển và nhân rộng mô hình đó rộng rãi trong thực tế xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu quan trọng nêu trên, rất cần sự công tâm, trách nhiệm của người làm công tác kiểm tra, giám sát. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất cần phải tập trung xem xét là việc “vượt rào” đó như thế nào, có xuất phát từ động cơ mang tính cá nhân, lợi ích nhóm hay không, có gây thiệt hại hay không? Bởi những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong nhiều thời điểm có ảnh hưởng quyết định tới công việc đã phải đưa ra các quyết định cụ thể. Việc “vượt rào” vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, không gây thiệt hại… rất cần được xem xét thấu đáo để có biện pháp chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ.
Ở đây, công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thật sự công tâm, công bằng, người làm công tác kiểm tra phải xem xét một cách thấu tình, đạt lý. Làm tốt vấn đề này trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chúng ta sẽ thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng như Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng…
Ý kiến ()