tle=”Khuyến học, khuyến tài ở Hà Nam”> Cô giáo Trần Vân Anh kể chuyện cho các cháu lớp mẫu giáo ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Ảnh: TRẦN THANH Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, nhiều cấp ủy đảng ở tỉnh Hà Nam đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học, xây dựng xã hội học tập.
Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học
Ông Trần Văn Tấc là trưởng họ Trần Văn ở thôn Phương Lâm, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Ông đọc vanh vách: Họ Trần Văn có 22 gia đình với 90 thành viên, trong đó có 11 đảng viên, 30 người có trình độ từ trung cấp đến đại học, chỉ còn một hộ nghèo. Với vùng quê chiêm trũng, xa trung tâm huyện như Đồng Hóa, thì đó không hẳn là vinh dự của dòng họ Trần Văn mà còn là động lực thi đua của nhiều gia đình, dòng họ khác. Ông Tấc cho biết: Khi sinh hoạt, họp họ, sau lễ bái tổ đường, ban khuyến học dòng họ Trần Văn duy trì việc đánh giá ở từng gia đình trong việc chăm lo học hành của các cháu như thế nào. Tiếp đến là biểu dương, khen thưởng những học sinh đạt thành tích trong học tập; phê bình, nhắc nhở người chưa thực hiện đúng tộc ước khuyến học; bàn và thống nhất những việc cần làm, trong đó chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, sự gương mẫu của mỗi thành viên để phát huy tinh thần say mê học tập, ý thức rèn luyện vươn lên trong mỗi người, mỗi nhà. Câu chuyện về người con út của ông Tấc, tên là Trần Văn Đoàn, là một minh chứng điển hình của dòng họ. Hồi còn học phổ thông, đột nhiên nghỉ học, bỏ nhà cả tuần, khiến mọi người rất lo lắng, hoang mang. Qua tìm hiểu, ông Tấc giật mình khi biết, vì nợ tiền thuốc lá, lại theo lời bè bạn rủ rê, cho nên Đoàn trốn nhà, lang thang… Mọi người trong thôn, xóm cùng ông Tấc chia ngả đi tìm, rồi lựa lời động viên Đoàn về nhà. Trả hết tiền nợ cho con, vợ chồng ông Tấc nhẹ nhàng giảng giải, phân tích điều hay lẽ phải cho Đoàn… Thấm thoắt thoi đưa, Đoàn không những bỏ hẳn thuốc lá, trở lại con ngoan của gia đình, mà còn đạt học lực khá nhất nhì của huyện. Ham học, ham làm, anh Đoàn trở thành gương sáng về phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chi bộ thôn, anh tiếp tục phấn đấu và đã được kết nạp Đảng.
Cũng ở huyện Kim Bảng, dòng họ Lê, xã Nhật Tân đã cụ thể hóa chủ trương khuyến học, khuyến tài do Huyện ủy đề ra thành bốn nội dung dễ nhớ, dể hiểu, dễ vận dụng, phù hợp, coi xây dựng gia đình hiếu học là một trong những trọng tâm của từng chi bộ và đảng viên. Ông Lê Ngọc Xuân, trưởng dòng họ Lê cho biết: Ban khuyến học của dòng họ Lê có chín người, đều là thành viên các gia đình hiếu học, con cái học hành thành đạt, có khả năng vận động thuyết phục và uy tín cao, có sức khỏe, kinh tế thuận lợi, có thời gian và nhiệt tình tham gia. Định kỳ, Ban mời một số gia đình có con cháu học hành thành đạt nói chuyện, giúp mọi người trong họ hiểu hơn về sự cần thiết phải học hành cho tốt, cho giỏi, từ đó có hướng phấn đấu vươn lên. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nhờ biết phát huy lợi thế có nhiều thành viên làm chủ các cơ sở sản xuất, thành đạt, cho nên dòng họ Lê luôn duy trì hiệu quả việc phân công giúp hộ nghèo vốn, giống, kỹ thuật làm ăn, dạy nghề, nuôi con ăn học, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần giảm hộ nghèo, nâng số thành viên của dòng họ có trình độ cao đẳng, đại học lên 96 người và năm người trong dòng họ có trình độ tiến sĩ.
Xây dựng xã hội học tập
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam Lê Trọng Thi cho biết: Tỉnh hiện có gần 41.400 gia đình, 1.692 dòng họ và 516 cụm dân cư đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học tiêu biểu. Xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, cho nên ngay khi có Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Thông tri số 10, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai đến tất cả cán bộ chủ chốt. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền nêu cao trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chủ trương, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia khuyến học, khuyến tài.
Trong niềm vui của bà con xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm) tại đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư hiếu học xuất sắc lần thứ ba, chúng tôi được biết, trong năm năm (2008 – 2012), toàn xã có 1.125 trên 2.000 gia đình hiếu học, trong đó có 531 gia đình hiếu học xuất sắc. Đồng Phú là thôn có chi hội khuyến học tiêu biểu của Thanh Hương. Chi hội có 25 hội viên, trong đó 17 người là đảng viên, đồng chí Bí thư chi bộ thôn Thiệu Quang Luận làm chi hội trưởng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Luận cho biết: Theo chỉ đạo của Đảng ủy xã “mỗi đảng viên là một hội viên khuyến học, khuyến tài tích cực”, chi bộ đã ban hành nghị quyết về việc giao nhiệm vụ và phân công từng đảng viên phụ trách công tác khuyến học, khuyến tài theo cụm liên gia, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí bí thư trực tiếp phụ trách công tác này. Lấy đó làm một trong những tiêu chí bình xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, chúng tôi dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong công tác khuyến học để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các hoạt động khuyến học, khuyến tài của các chi hội. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hương Phạm Xuân Hưng khẳng định: Chính hiệu quả của phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, số học sinh của xã thi đỗ vào trường THPT đạt 90%, tăng hơn 7% so với năm học trước. Trong đó, có hai em đạt điểm cao nhất, nhì toàn huyện.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt của công tác khuyến học, khuyến tài, thời gian qua, cùng với kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cấp hội khuyến học, Tỉnh ủy Hà Nam luôn chủ động lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập huấn, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, mục đích và sự cần thiết của việc học. Từ các phong trào quần chúng đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Tổ chức cuộc vận động “Ba đủ” (đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo), yêu cầu “Một có” (có chỗ học tập ổn định tại gia đình), “Tháng chín khuyến học”, “Tiếng trống học đường”, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, v.v đã hỗ trợ cụ thể, thiết thực để ngành giáo dục phát triển toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy ý thức vươn lên cho tuổi trẻ.
Với phương châm “chỗ nào có tổ chức đảng, có cộng đồng dân cư là ở đó có tổ chức khuyến học, khuyến tài”, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển các hội khuyến học, khuyến tài. Đến nay, toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ban khuyến học, chi hội khuyến học ở 329 trong số 380 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, hội, 1.724 trong số 2.042 khu dân cư và 2.080 trong số 2.383 dòng họ, với tổng số hơn 190 nghìn hội viên, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh. Tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh đều xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn hoạt động khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Hà Nam cho thấy, địa phương nào cũng vậy, phong trào khuyến học, hiếu học chỉ phát triển mạnh trong các gia đình, dòng họ, khu dân cư khi có sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên có tâm huyết với công tác này. Tin rằng, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái, phát triển sâu rộng, vững chắc, vì ở đây Đảng đã nắm bắt được nguyện vọng tha thiết của từng người, từng gia đình, gia tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()