Thứ 7, 30/11/2024 10:53 [(GMT +7)]
Khuyến công: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng
Thứ 2, 02/07/2012 | 10:11:00 [(GMT +7)] A A
Do có sự phát triển của một số nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời gia qua mà giá trị sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn vẫn tăng trưởng. Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều biến động bất lợi, nhưng qua 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 900.000 triệu đồng, tăng 1,6 % so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị ở khu vực công nghiệp địa phương đạt 424.174 triệu đồng. Con số “biết nói” này một lần nữa khẳng định tác dụng từ các đề án đào tạo nghề nông thôn, và Khuyến công Lạng Sơn đang từng bước góp phần chuyển dịch kinh tế một cách đúng hướng.
LSO-Lạng Sơn là tỉnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, hầu như chưa hình thành được các làng nghề đặc thù. Các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển một cách tự phát, quy mô nhỏ, chưa tập trung, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, các đề án khuyến công quốc gia và của tỉnh thực hiện trong 5 năm qua (2008 – 2012) đã và đang giúp bà con tại các vùng nông thôn “ly nông nhưng không ly hương”. Qua đó khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một tỉnh nông nghiệp.
Thu hoạch chè bằng máy A 110 tại Công ty chè Thái Bình – Ảnh: TTKC
Từ năm 2008 đến nay, với nguồn kinh phí 1.425,3 tỷ đồng từ khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công đã thực hiện hoàn thành 3 đề án đào tạo nghề, 4 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 1 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, 1 đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ…. Ngoài ra, cùng với nguồn kinh phí của khuyến công địa phương (3.461 triệu đồng), Trung tâm cũng hoàn thành một số đề án như: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch bê tông, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gỗ dăm xuất khẩu, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến lâm sản, đặc biệt là các đề án về đạo tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người dân các địa phương trên địa bàn Lạng Sơn.
Thực tế đã khẳng định, các đề án mà Trung tâm Khuyến công triển khai đều hướng đến mục đích là đào tạo nghề cho nhân dân vùng nông thôn, từng bước nâng tỷ trọng giá trị lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tại các vùng nông thôn. Những người được đào tạo trong thời gian qua hiện nay hầu hết đều đã có việc làm, người thì lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp, người thì làm việc với cơ chế khoán sản phẩm, đầu ra đã được doanh nghiệp lo. Thông qua các cuộc trình diễn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định, việc Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho doanh nghiệp, cũng như giúp nâng cao sự hiểu biết về các kỹ thuật sản xuất… phần nào thể hiện sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với chính các doanh nghiệp.
Trên thực tế hoạt động khuyến công luôn được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh xác định là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn. Qua đó có sự hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho cho các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, nhập khẩu thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất. Chính vì vậy, việc phát triển nghề thông qua quỹ khuyến công được thực hiện đúng quy trình, bài bản và được đầu tư cụ thể. Do đó, thời gian 5 năm qua nhiều mô hình tiểu thủ công nghiệp tại các huyện đã và đang đi vào sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và của địa phương, Trung tâm Khuyến công Lạng Sơn đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như nâng cao tay nghề cho công nhân, đặc biệt là hỗ trợ kinh nghiệm về một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Do có sự phát triển của một số nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời gia qua mà giá trị sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn vẫn tăng trưởng. Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều biến động bất lợi, nhưng qua 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 900.000 triệu đồng, tăng 1,6 % so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị ở khu vực công nghiệp địa phương đạt 424.174 triệu đồng. Con số “biết nói” này một lần nữa khẳng định tác dụng từ các đề án đào tạo nghề nông thôn, và Khuyến công Lạng Sơn đang từng bước góp phần chuyển dịch kinh tế một cách đúng hướng.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()