Khuyến công địa phương về với lao động nông thôn
LSO-Những năm gần đây, các chương trình khuyến công địa phương được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thực hiện đã đem lại nhiều kết quả khả quan, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đặc biệt, các chương trình khuyến công địa phương được thực hiện thành công đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trình độ và tạo việc làm cho một bộ phận lớn lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Lãnh đạo Sở Công thương nghiệm thu đề án khuyến công tại Công ty CP Thành Lộc |
Trong năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã thực hiện hai đợt khuyến công địa phương với 12 đề án. Các đề án tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho thanh niên, đoàn viên vùng nông thôn. Qua đó đã tổ chức các lớp tập huấn “ kiến thức khởi sự doanh nghiệp” cho 120 đoàn viên, thanh niên tại địa bàn 3 huyện Đình Lập, Lộc Bình và Tràng Định. Chương trình tập huấn đã trang bị cho các thanh niên, đoàn viên nông thôn những kiến thức cơ bản để bắt tay vào xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh việc đào tạo nhân lực, các đề án khuyến công địa phương cũng tập trung vào đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương, nhằm từng bước hiện đại hóa, tự động hóa trong hoạt động sản xuất tại nông thôn. Các đề án thực hiện thành công đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Từ những thành công của các đề án khuyến công địa phương trong năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng chương trình khuyến công năm 2014 và đã được UBND tỉnh phê duyệt với 9 đề án. Các đề án tập trung vào việc đầu tư hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Như đề án hỗ trợ lắp đặt máy móc sản xuất cửa cuốn tấm liền công nghệ Đài Loan tại Công ty TNHH sản xuất cơ khí Thu Giang, thôn Phiêng Quăn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình để nâng công suất lên 30.000m2 sản phẩm/năm, tạo thêm việc làm cho 5 lao động trên địa bàn với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất tinh bột cho công ty TNHH Chế biến nông sản Tân Tiến tại thôn Bản Châu, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định. Đây là xã vùng xa còn rất nhiều khó khăn của huyện Tràng Định. Đề án sẽ hỗ trợ công ty có được máy móc hiện đại sản xuất tinh bột đạt công suất 240 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho hơn 20 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa sẽ tạo được nơi thu mua nông sản cho bà con nông dân trong vùng, giúp bà con yên tâm, tích cực sản xuất…
Cùng với đà phát triển chung của xã hội, các đề án khuyến công địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo của những vùng nông thôn. Đoàn viên, thanh niên và người lao động nông thôn đã từng bước được nâng cao năng lực, trình độ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, được tiếp cận và áp dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: khi nghiên cứu để xây dựng chương trình khuyến công hàng năm, Sở luôn ưu tiên, để ý lựa chọn đến những vùng nông thôn xa xôi còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa để thực hiện hỗ trợ. Nhất là những năm gần đây, khi nhân dân cả nước đang chung sức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hướng tới mục tiêu đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khi bắt tay vào tổ chức thực hiện các đề án cụ thể cần bám sát với quá trình xây dựng nông thôn mới của từng huyện, xã. Đặc biệt là việc đào tạo nâng cao năng lực cho lao động nông thôn, cải tiến phương thức sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế điểm để nhân rộng. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông mới của tỉnh nhà.
ANH DŨNG
Ý kiến ()