Khuyến cáo về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo chủ hộ gia đình và người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy sau đây:
1.Đối với ô tô, xe máy và các phương tiện chứa chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ
– Không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
– Ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
2.Đối với hệ thống điện
Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.
3.Không bầy hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
4.Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, khó cháy. Nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống đảm bảo độ kín, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas, khu vực bếp gas phải niêm yết quy trình xử lý khí gas rò rỉ và quy trình xử lý khi có sự cố cháy xảy ra. Khi đun nấu phải có người trông coi.
5.Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
6.Mỗi gia đình nên có 02 lối thoát nạn, tại các hộ gia đình kinh doanh sắp xếp hàng hóa đảm bảo khoảng cách lối đi rộng 1m. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
7.Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn.
8.Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng.
9.Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
10.Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114 và sử dụng phương tiện để chữa cháy.
11.Trao đổi trong gia đình để mọi người đều biết các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nêu trên./. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
Ý kiến ()