Khuyến cáo người dân cần đề phòng rắn độc cắn trong mùa mưa
Các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào mùa mưa cũng là mùa sinh sôi của rắn độc, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ nên người lao động trong vùng liên tục bị rắn độc cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa – Bệnh máu (Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ) cho biết: Từ giữa tháng 5 đến nay, mỗi tuần Khoa tiếp nhận cấp cứu khoảng 10 ca bị rắn độc cắn, trong đó đa phần là bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nguy hiểm đến tính mạng. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… Chỉ trong 2 ngày 25 và 26/5, Khoa Tiêu hóa – Bệnh máu tiếp nhận cấp cứu đến 6 trường hợp bị rắn độc tấn công, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ.
Ảnh minh họa (Nguồn: baotintuc.vn) |
Đang nằm điều trị tại Khoa Tiêu hóa – Bệnh máu, bệnh nhân Nguyễn Văn Cường (51 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết, sáng 26/5, ông ra vườn chuối sau nhà dọn cỏ thì bất ngờ một con rắn lục đuôi đỏ từ trên bẹ chuối khô nhào ra quấn lấy chân phải của ông. Tiếp đó, con rắn cắn mạnh một phát vào chân ông rồi nhanh chóng bò mất. Sau khi bị cắn, ông Cường bị tụt huyết áp, choáng, vết thương sưng phù nề, đau nhức dữ dội. Người nhà tức tốc đưa ông đến Bệnh viện Quân y 121 cấp cứu kịp thời nên ông qua khỏi cơn nguy kịch.
Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Thắng (35 tuổi, ngụ khu dân cư 91B, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân phải khi đang dọn dẹp khu nhà bếp vào trưa 26/5. Anh Thắng cho biết, xung quanh nhà anh đang ở còn nhiều khu đất bỏ trống, cây cỏ rậm rạp nên thường có rắn xuất hiện. Theo anh Thắng, mấy ngày nay trời mưa nhiều nên rắn lục đuôi đỏ đã bò qua khe cửa bếp để chui vào nhà và cắn anh khi anh động đến chỗ trú ngụ của nó.
Cũng vào điều trị tại Bệnh viện 121, bệnh nhân Trần Thanh Bình (39 tuổi, quê xã Long Thạnh, tỉnh Hậu Giang) thì bị rắn hổ đất cắn vào sáng 25/5 khi đang bắt cá dưới sông. Do vết rắn cắn nặng nên ngay lập tức anh Bình bị tê lưỡi, cứng hàm, khó thở và sau đó là liệt người. Rất may vợ anh đi cùng phát hiện, chở anh đi bệnh viện cấp cứu…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, các trường hợp bị rắn độc cắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trước đó Bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu vài trường hợp bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn rất nặng, gây hoại tử vết thương nghiêm trọng; sau khi cấp cứu, các bác sĩ phải tiến hành ghép da, ghép mô cho bệnh nhân.
Theo ghi nhận của Khoa Tiêu hóa – Bệnh máu Bệnh viện Quân y 121, các bệnh nhân bị rắn cắn đến điều trị tại bệnh viện đa số là nông dân, trong đó 80% bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Giải thích về hiện tượng gần đây rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều và liên tục tấn công người ở Cần Thơ và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ cho biết, thông thường, từ khoảng tháng 4 hàng năm, khu vực Tây Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa là mùa sinh sôi của rắn, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ. Rắn lục đuôi đỏ đẻ trực tiếp ra rắn con, trong vòng 48 giờ rắn con có thể tự đi kiếm mồi và gây độc được. Thêm vào đó rắn lục đôi đỏ rất hung dữ, chủ động tấn công con người khi đứng gần hoặc đụng vào nơi trú ngụ của nó.
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 121 khuyến cáo, để phòng chống bị rắn độc cắn, nhất là vào mùa mưa, người dân cần phát quang bụi rậm xung quanh nhà, khi đi vườn, đi ruộng cần mang ủng, đeo găng tay; buổi tối ra vườn cần có đèn soi đường, có mũ rộng vành. Khi bị rắn cắn cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, băng kín, hạn chế vận động, không buộc ga rô vì nếu làm sai cách sẽ bị phù nề. Sau khi bị rắn độc cắn phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, người bị rắn cắn, tuyệt đối không được điều trị theo các biện pháp dân gian vì nếu bệnh nhân bị mất thời gian quá lâu hoặc nhiễm trùng thì khó cứu sống khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()