Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội xuân năm 2019, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (Gas), sử dụng điện và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh như sau:
I- Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (Gas)
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (Gas), bà con nhân dân nên thực hiện các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy như sau:
1.Khi mua bếp gas và các phụ kiện nên chọn hàng chính hãng, nên liên hệ tới cửa hàng đang cung cấp gas cho gia đình mình để được tư vấn.
2.Bếp gas phải đặt trên nền bằng vật liệu không cháy (gạch, đá…) cách tường ít nhất 15cm, cách bình gas tối thiểu là 1m, nếu không thực hiện được thì giữa bếp và bình nên có tường ngăn cách
3.Sử dụng các vật liệu không cháy như: tấm cách nhiệt, tôn, broximang để che chắn bếp nếu vách bếp bằng vật liệu dễ bắt lửa.
4.Vị trí đặt bếp gas tránh gió lùa trực tiếp dễ gây tắt lửa khi đang đun nấu.
5.Luôn đặt bếp cao hơn bình gas tối thiểu 1m, luôn để ống dẫn gas nằm dưới bề mặt bếp.
6.Ống dẫn gas không nên để dài quá 02 mét. Tuyệt đối không sử dụng loại ống nhựa hoặc cao su thông thường làm ống dẫn gas vì dễ bị ăn mòn dẫn đến hư hỏng. Thường xuyên kiểm tra và thay ống dẫn gas định kì theo hướng dẫn của nhân viên khi giao gas.
7.Bình gas đặt cố định tại vị trí dễ thao tác, luôn đặt bình thẳng đứng cụm van ở phía trên. Không đặt bình gas nằm ngang, không đặt bình gas úp suống.
8.Không sử dụng bếp than cùng với khu vực đặt bếp gas, không để các chất dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, sơn… trong tủ hoặc gần bếp gas.
9.Trước khi sử dụng bếp phải chú ý kiểm tra các bộ phận chia lửa đảm bảo ăn khớp đúng vị trí.
10.Khi thao tác đánh lửa bếp nhiều lần mà không thành công phải để hơi gas trên bếp khuếch tán hết mới tiếp tục thao tác đề phòng ngọn lửa bùng cháy lớn gây nguy hiểm.
11.Quá trình sử dụng bếp nếu thấy ngọn lửa cháy không bình thường, ngay lập tức khóa van bình gas lại và kiểm tra bếp hoặc liên hệ ngay tới nơi đang cấp gas cho bạn để được xử lý.
12.Thường xuyên có mặt trong quá trình đun nấu; chú ý khi ninh hầm thực phẩm với ngọn lửa nhỏ rất dễ bị tắt mà ta không biết, không dùng nồi có đáy lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống vị trí bình gas gây nguy hiểm.
13.Không dùng bếp quá cũ, bị gỉ sét, khi hỏng phải sửa chữa, thay thế ngay. Thường xuyên vệ sinh bếp sạch sẽ nhất là duy trì độ nhạy của bộ phận đánh lửa không để bị ướt, dầu mỡ, thực phẩm bám vào.
14.Ngay sau khi lắp, thay bình gas, các gia đình cần yêu cầu nhân viên thay kiểm tra đảm bảo độ kín của các khớp nối giữa đường ống dẫn gas với bếp, van và bình gas bằng nước xà phòng.
15.Sử dụng bình gas mini mới còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng, không dùng bình san chiết lại không rõ nguồn gốc, bình cũ đã gỉ sét, bị biến dạng dễ gây cháy nổ.
16.Dạy cho trẻ nhỏ biết sự nguy hiểm để không nghịch bếp, bình gas.
17.Khi phát hiện rò rỉ gas, ngay lập tức tắt tất cả các nguồn nhiệt; cảnh báo cho mọi người trong gia đình biết; tuyệt đối không bật công tắc, cầu dao điện, dùng diêm, quẹt hay thao tác bất cứ dụng cụ, thiết bị nào có phát sinh tia lửa. Có thể dùng đèn pin, đèn chiếu sáng sự cố.
Nhanh chóng mở tất cả các cửa để thông gió, không dùng máy hút, quạt hút vì các thiết bị này cũng phát da tia lửa điện không an toàn. Dùng quạt thủ công để phát tát khí gas.
Kiểm tra cụm van, bình gas, đường ống xác định vị trí rò rỉ. Có thể dùng nước xà phòng (bột giặt, dầu gội đầu) sẽ dễ dàng tìm vị trí rò rỉ hơn. Cố định tạm thời vị trí rò rỉ.
Nếu không khắc phục được hãy tháo dây dẫn gas và mang bình ra nơi trống, thoáng gió, xa cống rãnh, nguồn nhiệt, cảnh giới và thông báo cho nơi cung cấp gas hoặc đơn vị PCCC biết để xử lý.
Quá trình xử lý gas rò rỉ chú ý đề phòng gas có thể làm mờ mắt, ăn mòn da, gây bỏng lạnh nếu tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với dòng khí gas bị xì; ngoài ra khí gas đậm đặc có thể bị ngạt vì thiếu không khí.
18.Khi xảy ra cháy gas tại vị trí bếp, đường ống, cụm van điều áp hãy bình tĩnh tìm cách khóa van bình gas, sử dụng bình chữa cháy, các vật dụng (mền, nước) để dập cháy và báo cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114. Mọi sự chậm trễ hoặc bỏ chạy có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn, làm bình gas biến dạng, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
19.Để phát hiện kịp thời, các hộ gia đình có thể sử dụng thiết bị phát hiện và báo động khi có gas rò rỉ. Nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay để chủ động ứng phó khi có cháy xảy ra.
20.Cuối cùng mỗi thành viên ttrong gia đình hãy rèn luyện cho mình một số thói quen thiết yếu sau:
– Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình chứa gas.
– Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dân dẫn gas gần nguồn nhiệt.
– Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng. Trước khi ra khỏi nhà hay đi ngủ cần kiểm tra xem đã khóa chặt van bình gas chưa nếu chưa khóa thì phải khóa lại.
– Khi tắt bếp, nên khóa van bình gas trước sau đó mới tắt bếp, tránh trường hợp chỉ tắt bếp mà quên khóa van bình gas.
– Khi ngửi thấy mùi khí gas phải nghĩ ngay đến sự cố rò rỉ khí gas và lập tức điên ngay tới nơi đang cấp gas cho bạn để có biện pháp xử lý.
II. Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sử dụng Hệ thống điện, bà con nhân dân nên thực hiện các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy về điện như sau:
1.Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện trong nhà nên thuê tư vấn, chuyên viên kỹ thuật hoặc thợ điện lành nghề thực hiện. Đặt thiết bị bảo vệ (aptomat hoặc cầu dao điện) phù hợp cho đường dây chính trong nhà, từng gian phòng và từng thiết bị điện công suất lớn. Dùng thiết bị chống dòng rò ELCB (Earth leakage circuit breaker) phù hợp cho mạng điện trong nhà; đặc biệt nên lắp ELCB riêng cho các thiết bị đấu nối thường xuyên vào mạng điện như máy nước nóng….
2.Phải lắp cầu dao hoặc áptômát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải.
3.Dẫn dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để có dòng điện cho phép của dây dẫn lớn hơn dòng điện phụ tải để dây điện không bị quá tải gây chạm chập, tạo ra nguồn nhiệt gây cháy. Tất cả những dây dẫn điện cần có lớp cách ly bên ngoài và phải bố trí đường dây điện đi trên tường, bọc kín các mối nối. Hạn chế tối đa việc đi dây điện trên sàn để tránh vấp ngã, với những đường dây điện phải để trên sàn thì phải bọc kỹ và có lớp cách điện an toàn và đưa xuống rãnh để tránh vấp ngã và chập điện do các phương tiện vận chuyển đi trên đó.
4.Tuyệt đối không dùng lại các dây dẫn điện cũ, chất lượng kém để đi dây dẫn điện cho các máy, thiết bị; thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, nếu thấy các dây dẫn sờn cũ hoặc hở mối nối, bị chuột gặm nhấm thì phải kịp thời bọc cách điện hoặc thay bằng dây dẫn mới. Phải đảm bảo dây dẫn điện phù hợp với công suất hoạt động của các máy, thiết bị, động cơ điện.
5.Không để thiết bị điện phát ra nguồn nhiệt lớn như: đèn sưởi ấm, bàn là,… ở gần đồ vật dễ cháy, nổ. Không được treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây, thiết bị điện; không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải… để bao che bóng đèn; Không treo bóng đèn sát vách ngăn, trần làm bằng vật liệu dễ cháy. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện vì chỗ tiếp xúc bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện.
6.Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… có chất lượng kém. Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế.
7.Ngắt ngay các thiết bị, dụng cụ điện sinh nhiệt (Bàn là, bếp điện, thiết bị gia nhiệt bằng điện trở…) ra khỏi nguồn điện khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện.
8.Sử dụng cáp điện, thiết bị điện ở những bảng quảng cáo, biển trang trí ngoài trời đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn; lắp đặt đúng kỹ thuật; phải thường xuyên, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa.
9.Không dùng dây điện trần (không có vỏ cách điện) trong nhà; không sử dụng dây, cáp điện, thiết bị điện không đảm bảo chất lượng. Không dùng giấy bạc và dây kim loại khác để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao.
10.Không sử dụng ổ cắm, phích cắm, cầu chì, cầu dao bị nứt, vỡ vỏ nhựa hoặc bị gỉ, sét; không cắm dây dẫn điện trực tiếp (không có phích cắm) vào ổ cắm.
11.Không dùng thiết bị điện sinh nhiệt (bàn là, bếp điện, thiết bị gia nhiệt…) khi không có người lớn trông coi; không để trẻ nhỏ, người bị bệnh tâm thần… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
12.Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng phải gắn vào móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không đặt các chất dễ cháy (ga, xăng, dầu, giấy, vải…)gần đường dây và các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện điện như: đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang… Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
13.Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt,… cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.
14.Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt nguồn điện (cầu chì, cầu dao điện), báo cho mọi người xung quanh, báo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114; dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa (Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện; nên sử dụng các bình khí CO2, N2…, bình bột chữa cháy điện).
III. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, cáo chủ hộ gia đình và người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy sau đây:
1.Đối với ô tô, xe máy và các phương tiện chứa chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ
– Không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
– Ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
2.Đối với hệ thống điện
Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.
3.Không bầy hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
4.Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, khó cháy. Nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống đảm bảo độ kín, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas, khu vực bếp gas phải niêm yết quy trình xử lý khí gas rò rỉ và quy trình xử lý khi có sự cố cháy xảy ra. Khi đun nấu phải có người trông coi.
5.Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
6.Mỗi gia đình nên có 2 lối thoát nạn, tại các hộ gia đình kinh doanh sắp xếp hàng hóa đảm bảo khoảng cách lối đi rộng 1m. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
7.Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn.
8.Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng.
9.Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
10.Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114 và sử dụng phương tiện để chữa cháy.
11.Trao đổi trong gia đình để mọi người đều biết các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nêu trên./. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
Nguồn Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ
Công an tỉnh Lạng Sơn
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()