Khủng hoảng thiếu hụt sữa bột công thức trẻ em ở Mỹ
Tình trạng thiếu sữa bột công thức trẻ em ở Mỹ kéo dài 3 tháng qua ngày càng trở nên nghiêm trọng, đến mức Nhà Trắng coi vấn đề này là ưu tiên quốc gia, đồng thời huy động quân đội tham gia giải quyết. Câu chuyện khủng hoảng thiếu hụt sữa bột trẻ em đến nay vẫn là đề tài “nóng” tại nền kinh tế số một thế giới.
Chiến dịch không vận giải tỏa “cơn khát” sữa
Đầu tuần này, một máy bay quân sự chở 32 tấn sữa bột công thức trẻ em đầu tiên đã rời căn cứ quân sự của Mỹ tại Ramstein, Đức để tới TP Indianapolis, bang Indiana (Mỹ), nơi đặt trụ sở của hãng sữa Nestlé. Nhà Trắng cho biết, số sữa bột mới chuyển đến này sẽ được đem đi kiểm nghiệm chất lượng trước khi phân bổ đến người tiêu dùng. Lượng sữa bột này sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong nước.
Theo tờ Le Monde (Pháp), lô hàng 32 tấn sữa bột công thức là một phần của chiến dịch không vận mang tên “Operation Fly Formula”, do Tổng thống Mỹ Joe Biden phát động nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa bột trẻ em đang xảy ra tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Máy bay của lực lượng không quân Mỹ chở lô hàng 32 tấn sữa bột công thức từ Đức về Mỹ. Ảnh: AFP |
Mặc dù đang có chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày với chương trình nghị sự dày dặc, ông Biden vẫn hồ hởi thông báo trên Twitter: “Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để đem số sữa công thức an toàn về cho tất cả người dân có nhu cầu”.
Trước đó, một đoạn video được đăng tải trên Twitter của ông Biden cũng cho thấy, binh lính Mỹ ở căn cứ Ramstein đang đẩy những chiếc thùng lớn vào một chiếc máy bay quân sự. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho chuyến hàng thứ hai vận chuyển sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh của hãng Nestlé đến bang Pennsylvania trong những ngày tới.
Cùng với đó, Tổng thống Biden cũng ký thông qua Đạo luật sản xuất quốc phòng hướng tới lĩnh vực sản xuất sữa bột. Vốn đã tồn tại từ 7 thập kỷ qua, đạo luật này nhằm tập trung các hoạt động sản xuất của Mỹ ứng phó với tình huống khẩn cấp như chiến tranh, dịch bệnh. Lần gần nhất đạo luật trên được kích hoạt nhằm thúc đẩy sản xuất vật tư y tế và vaccine tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.
Chao đảo khi thiếu hụt sản phẩm thiết yếu
Sữa công thức là một sản phẩm thiết yếu với nhiều hộ gia đình có con nhỏ ở Mỹ, đặc biệt là những hộ gia đình thu nhập thấp, trong đó người mẹ phải trở lại làm việc không lâu sau khi sinh con và không thể nuôi con bằng sữa mẹ.
Tình trạng thiếu sữa công thức xuất hiện ban đầu là do ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do đại dịch Covid-19. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi nhà sản xuất sữa hàng đầu của Mỹ là Abbott tuyên bố tự nguyện thu hồi loại sữa công thức được sản xuất tại nhà máy ở Michigan và đóng cửa nhà máy này sau khi hai trẻ sơ sinh tử vong với nguyên nhân bị nghi là liên quan đến sản phẩm của hãng.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó cho thấy, sản phẩm của Abbott không liên quan tới nguyên nhân dẫn đến hai ca tử vong ở trẻ sơ sinh nói trên.
Theo tờ New York Times, thị trường sữa công thức trẻ em trị giá 4 tỷ USD mỗi năm của Mỹ đều do 3 cái tên, gồm: Abbott, Gerber và Reckitt thống trị. Chỉ có khoảng 2% là lượng sữa nhập khẩu và chịu mức thuế cao. Vì vậy, chỉ cần một nhà sản xuất sữa của Mỹ bị ngưng trệ sản xuất, cả thị trường lập tức chịu tác động ngay.
“Con tôi bị bệnh và chỉ có thể sử dụng sữa bột. Tình trạng thiếu sữa bột đã kéo dài hàng tháng rồi. Chúng tôi thậm chí phải đi nhiều nơi mới có thể mua được sữa bột cho cháu”, chị Jess Butler, người dân TP Seattle, bang Washington, Mỹ cho hay.
Mặc dù hãng Abbott cam kết không để sự cố trên tái diễn trong tương lai nhưng việc khôi phục nguồn cung về mức bình thường dự kiến sẽ phải mất vài tuần.
Trong một động thái nhằm ngăn chặn tình trạng “thổi” giá đối với sữa bột công thức dành cho trẻ em, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng và người lao động New York nhắc nhở các bậc cha mẹ cảnh giác trước những trò gian lận trực tuyến và những nhà cung cấp lợi dụng tình hình hiện nay để trục lợi. Cơ quan này nhấn mạnh, bất kỳ ai mua phải sữa công thức bị đội giá có thể gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Ý kiến ()