Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ: Cẩn thận trước đốm lửa nhỏ
Với tỷ giá đồng lira “tuột dốc không phanh”, cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến thị trường chứng khoán thế giới “đỏ lửa” trong phiên giao dịch sáng thứ Hai, 13/8.
Ảnh: AFP |
Những cú sụt chóng mặt này của đồng lira gây sức ép giảm mạnh lên đồng euro và đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi khác.
Sự sụt giảm nguy hiểm
Chỉ số MSIC châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản, một thước đo của chứng khoán khu vực, sụt 1,3% xuống mức thấp nhất trong 5 tuần. Sắc đỏ phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á phiên sáng nay, trong đó chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật sụt 1,6%. Chứng khoán Trung Quốc mất 1,4%, chứng khoán Hồng Kông giảm 1,6%, chứng khoán Đài Loan giảm 3%…
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ có lúc “bốc hơi” 18% so với USD. Trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, đồng lira có lúc rớt xuống mức 7,24 lira đổi 1 USD, mức thấp chưa từng có trong lịch sử trước khi phục hồi trở lại. Tuy nhiên, so với mức đóng cửa hôm thứ Sáu, đồng lira hiện vẫn giảm giá khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không cho rằng cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu. Những rắc rối tài chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào là nghiêm trọng hơn so với thách thức mà các thị trường mới nổi khác đối mặt thời gian gần đây, nhưng về bản chất chỉ nằm trong biên giới của quốc gia này – tờ báo nhận định.
Trong những năm gần đây, các thị trường mới nổi vay nợ ngày càng nhiều và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá.
Chẳng hạn, theo Wall Street Journal, tỷ lệ nợ ngoại tệ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới khoảng 70%. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ vào khoảng 15%, của Nga chưa đầy 25%.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác như Nam Phi hay Argentina. Vào thời điểm cuối tháng 3/2018, thâm hụt cán cân vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 7,1% GDP.
“Sự sụt giá của đồng lira từ tháng 5 đến nay có vẻ như chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái và nhiều khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng”, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham thuộc Capital Economics nhận định.
“Đây sẽ là một cú sốc nữa đối với các thị trường mới nổi nói chung, nhưng ảnh hưởng kinh tế rộng hơn sẽ ở mức khiêm tốn, ngay cả đối với khu vực Eurozone”, ông Kenningham dự báo.
Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Đồng lira sụt giá nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu nặng nề đối với thép Thổ Nhĩ Kỳ. “Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện này không được tốt đẹp”, ông Trump viết trên Twitter.
Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau vụ linh mục người Mỹ Andrew Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ do nghi ngờ có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.
Để trả đũa chính quyền Ankara, Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định mới của Mỹ đã khiến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo và khiến đồng lira càng mất giá mạnh thêm, sau khi đã giảm giá tới hơn 30% kể từ đầu năm nay.
Guardian đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục giữ thái độ khiêu khích đối với Mỹ, đồng thời cáo buộc các nhóm lợi ích nước ngoài khơi mào chiến tranh thương mại nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết đưa ra các biện pháp giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng như thị trường Mỹ.
“Chúng ta sẽ đáp trả những người gây ra cuộc chiến thương mại có phạm vi toàn cầu, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách hướng đến những đồng minh mới, các thị trường mới”, ông Erdogan nói.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là mâu thuẫn thương mại. Các nhà đầu tư ở thị trường này đang quan ngại về khoản nợ nước ngoài trị giá đến 350 tỷ USD của ngân hàng và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng chi trả số tiền trên khi đồng lira sụt giá, lạm phát tăng vọt.
Khi cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng, người tiêu dùng tại Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với giá thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men ngày càng tăng. Tỷ lệ lạm phát dự kiến cũng tiếp tục tăng từ mức 15,4% hiện nay.
Xoa dịu lo ngại
Ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” nhằm bảo đảm ổn định tài chính sau sự sụt giá của đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cam kết bảo đảm thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng.
Thông báo nêu rõ Ngân hàng Trung ương sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, cũng như áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì ổn định tài chính nếu cần thiết, đồng thời cam kết cung cấp “mọi khả năng thanh toán bằng tiền mặt mà các ngân hàng cần”.
Ngân hàng cũng điều chỉnh tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan đến thanh khoản. Với biện pháp điều chỉnh mới nhất, ngân hàng này sẽ “bơm” gần 10 tỷ lira, 6 tỷ USD và lượng vàng trị giá 3 tỷ USD vào hệ thống tài chính.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố biện pháp trên một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak thông báo chính quyền Ankara đang triển khai kế hoạch hành động nhằm xoa dịu những quan ngại của thị trường tài chính hiện nay.
Hôm 10/8, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá tới 18% so với đồng USD. Đây là mức giảm lớn nhất trong ngày của đồng lira kể từ năm 2001. Giá đồng lira đã xuống mức 7,24 lira đổi 1 USD trong phiên giao dịch tối 12/8.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()