Khủng hoảng ở Yemen ảnh hưởng lớn đến phụ nữ
Theo Liên hợp quốc, xung đột, đói kém, dịch bệnh là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Yemen, trong đó có khoảng 1,1 triệu phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, có tới 2 triệu bà mẹ sẽ bị ảnh hưởng.
Liên hợp quốc ngày 1/11 cho biết, kể từ khi xung đột leo thang ở Yemen vào năm 2015 giữa các nhóm vũ trang chống chính phủ và lực lượng ủng hộ chính phủ, việc bắn phá, ném bom đã làm hư hại cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước. Trong đó, gần một nửa số cơ sở y tế trên cả nước không hoạt động, bao gồm cả những cơ sở được thành lập để cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Kết quả là nhiều phụ nữ trong giai đoạn sinh sản không được chẩn đoán và điều trị.
Dẫn chứng được Liên hợp quốc đưa ra là vào tháng 8/2018, Al Thawra – bệnh viện lớn nhất ở thành phố Al Hudaydah, Yemen – bệnh viện duy nhất của khu vực cung cấp các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp đã bị tấn công, khiến khoảng 90.000 phụ nữ mang thai và các bé gái đứng trước các nguy cơ cao về sức khỏe sinh sản.
“Tôi cảm thấy như ở địa ngục vì những gì tôi đã nhìn thấy”, một nữ hộ sinh có tên Noha – người làm việc tại khoa sản của bệnh viện khi bệnh viện bị tấn công vào ngày 2/8/2018 cho biết. “Bây giờ phụ nữ mang thai thích sinh con ở nhà hơn, dù ở đó có nhiều nguy cơ và vấn đề hơn. Họ sợ đến bệnh viện vì lo sợ sẽ mất mạng (vì những cuộc tấn công)”, cô nói.
Theo Văn phòng điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), cuộc khủng hoảng ở Yemen là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới với 3/4 dân số cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo. Xung đột đã khiến việc tiếp cận của người dân với nguồn lương thực trở nên khó khăn hơn vì nhiều yếu tố: lạm phát, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế tự do đi lại,…
Giữa bối cảnh như vậy, cho đến nay số tiền cam kết của các nhà tài trợ dành cho Yemen mới chỉ đạt 71%, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng và vượt xa sự đáp ứng. Với nguồn kinh phí hạn chế, sự hỗ trợ của Liên hợp quốc cho 184 cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản có thể chấm dứt nếu các nguồn lực bổ sung không đến kịp thời.
Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế của Yemen hiện rất khó khăn, tổng sản phẩm quốc nội giảm một nửa kể từ năm 2015, hơn 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Quốc gia này trong nhiều năm qua luôn trong vòng luẩn quẩn của xung đột, nghèo đói và bệnh tật. Khoảng 14 triệu người (tương đương một nửa dân số) ở Yemen đang đứng trước nguy cơ của nạn đói./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()