Khủng hoảng ở Haiti: Vẫn chưa thể thành lập Hội đồng chuyển tiếp
Người đứng đầu đảng Lãnh đạo Trẻ Tiến bộ Haiti, ông Werley Nortreus, đã đề xuất với Cộng đồng Caribe (Caricom) một kế hoạch B để tái lập trật tự chính trị tại quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ và Caribe, việc chính thức thành lập Hội đồng Tổng thống Chuyển tiếp (CPT) của Haiti tiếp tục bị trì hoãn do những bất đồng và yêu cầu của các thành viên.
Trong khi đó, người đứng đầu đảng Lãnh đạo Trẻ Tiến bộ Haiti, ông Werley Nortreus, đã đề xuất với Cộng đồng Caribe (Caricom) một kế hoạch B để tái lập trật tự chính trị tại quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này.
Trong bức thư gửi Caricom ngày 3/4, ông Nortreus đề xuất các kế hoạch B1 và B2 để tìm kiếm giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Kế hoạch B1 kêu gọi người dân Haiti tự tổ chức các cuộc bầu cử đơn giản để lựa chọn và quyết định ai sẽ là Tổng thống, Thủ tướng và nội các sẽ đồng hành cùng họ, trong khi Kế hoạch B2 kêu gọi Chính phủ Haiti và các nhóm đối lập cho phép những gương mặt mới tình nguyện tham gia vào quá trình tìm kiếm sự đồng thuận cho giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Nortreus cũng tự giới thiệu bản thân là gương mặt mới tham gia vào quá trình chuyển đổi.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ ủng hộ những nỗ lực hiện nay của Caricom nhằm thúc đẩy quản trị toàn diện và mang tính đại diện ở Haiti. Mỹ cũng ủng hộ CPT và Phái bộ Hỗ trợ An ninh đa quốc gia do Kenya dẫn đầu.
Trong diễn biến liên quan, Honduras cho biết trong tuần này sẽ sơ tán ít nhất 20 công dân đang làm việc tại Haiti với sự hỗ trợ của CH Dominicana.
Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina nhận định tình hình Haiti rất phức tạp và cho biết hoạt động sơ tán công dân phải thực hiện bằng trực thăng với chi phí rất đắt đỏ (khoảng 12.000 USD mỗi chuyến).
Trong khi đó, Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ và Caribe dẫn thông tin từ Tổng Giám đốc Thư viện Quốc gia Haiti Dangelo Néard xác nhận băng nhóm tội phạm có vũ trang đã tấn công cơ sở nằm ở trung tâm thủ đô này trong ngày 3/4, phá hủy nhiều tài liệu quý hiếm hơn 200 năm tuổi và có tầm quan trọng về mặt di sản.
Tuy bị áp đảo nhưng lực lượng cảnh sát Haiti vẫn tuyên bố quyết tâm và cam kết lập lại trật tự và hòa bình.
Cùng ngày, Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS) đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước trong khu vực hỗ trợ lực lượng an ninh Haiti khôi phục trật tự. Hội đồng Thường trực OAS đã nhóm họp tại Washington sau khi nổ ra làn sóng bạo lực mới với nhiều vụ đụng độ dữ dội giữa Cảnh sát Quốc gia Haiti và các băng nhóm vũ trang xung quanh Cung điện Quốc gia ở thủ đô Port-au-Prince.
OAS đề nghị các nước thành viên cung cấp, trong phạm vi có thể và dựa trên luật pháp của mỗi quốc gia, “sự hỗ trợ ngay lập tức và đầy đủ cho lực lượng an ninh Haiti để khôi phục các điều kiện hòa bình và ổn định.”
Nghị quyết kêu gọi triệt phá các băng nhóm tội phạm và cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Các nhà lãnh đạo OAS mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Haiti trong quá trình chuyển đổi dân chủ thông qua hỗ trợ tài chính, chuyên môn kỹ thuật và đóng góp cho sứ mệnh an ninh đa quốc gia đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê duyệt.
OAS ghi nhận quyết định của Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức ngay sau khi Hội đồng Tổng thống Chuyển tiếp (CPT) được thành lập và một vị tổng thống lâm thời mới được bổ nhiệm, như đã nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Caribe (Caricom) ngày 11/3 tại Jamaica.
OAS kêu gọi CPT tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức những cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp “toàn diện, tự do, công bằng và đáng tin cậy.”
Tại phiên họp, đại diện Haiti Leon Charles cho biết tình hình tại quốc gia Caribe “xấu đi hoàn toàn” khi các băng nhóm có vũ trang chiếm đóng gần như toàn bộ lãnh thổ. Đại diện Haiti nhấn mạnh thảm họa sẽ xảy ra nếu không hành động ngay lập tức./.
Ý kiến ()