Khủng hoảng nước ở Ấn Độ
Đối với hàng triệu người Ấn Độ, ước mơ của họ chỉ đơn giản là có nước để sử dụng mỗi ngày. Nhưng mong ước nhỏ bé đó, nhiều năm nay vẫn chưa thể thành hiện thực.
Đối với hàng triệu người Ấn Độ, ước mơ của họ chỉ đơn giản là có nước để sử dụng mỗi ngày. Nhưng mong ước nhỏ bé đó, nhiều năm nay vẫn chưa thể thành hiện thực.
Trong khu ổ chuột tại Chanakyapuri, thủ đô New Delhi, Ấn Độ không hề có nước sinh hoạt. Dưới nền nhiệt 49,9 độ C, ánh nắng nung nóng mái tôn của những căn nhà lụp xụp. Người dân tuyệt vọng chờ đợi xe chở nước.
Khi xe đến, cảnh tượng hỗn loạn bắt đầu diễn ra. Hàng chục người lao tới chiếc xe bồn, thậm chí một số còn trèo lên nóc xe để lấy nước nhanh hơn. Ai đến trước sẽ được lấy trước, nhiều người chậm chân phải ra về tay không. Poonam Shah là một trong số những người không may mắn đó. Cô than phiền: “Gia đình tôi có 10 người gồm 6 đứa con, vợ chồng tôi, bố mẹ chồng, họ hàng thỉnh thoảng ghé qua. Làm sao tất cả chúng tôi có thể tắm chỉ với một xô nước?”.
Thế nhưng, thực tế hôm đó, một xô nước gia đình Poonam cũng không có. Bà mẹ 6 con này bán hàng tại quầy đồ ăn nhanh. Thiếu nước, cửa hàng chẳng thể hoạt động, 6 đứa trẻ cũng sẽ không có nước để uống. Poonam đành phải chấp nhận tìm mua nước, nhưng sẽ tốn tới một nửa trong số tiền 3USD mà cô thường kiếm được sau một ngày bán thức ăn ở ven đường.
Khi nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm miền Bắc Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi buộc phải hạn chế lượng nước phân phối miễn phí cho người dân. Trước đây, mỗi ngày sẽ có 2-3 chuyến xe bồn chở nước đến khu vực nơi Poonam sống. Bây giờ chỉ còn lại một chuyến.
Đợt nắng nóng kéo dài nhất trong lịch sử Ấn Độ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước ở quốc gia Nam Á. Cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ đợi hàng giờ để lấy nước đã trở nên quen thuộc. Không chỉ riêng thủ đô New Delhi mà 5 trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới đang chịu áp lực về nước đều nằm ở Ấn Độ. Theo Cơ quan Cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog), 21 thành phố lớn của nước này đang trên bờ vực cạn kiệt nguồn nước ngầm. Đến năm 2050, ít nhất 30 thành phố sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.
Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 18% dân số toàn cầu nhưng chỉ sở hữu 4% nguồn tài nguyên nước trên thế giới. Lượng nước sẵn có bình quân đầu người của Ấn Độ là khoảng 1.100m3, gần đến ngưỡng khan hiếm nước được quốc tế công nhận là 1.000m3/người. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đã cùng gây áp lực lên tài nguyên nước. Nửa thế kỷ trước, vào năm 1970, lượng nước bình quân đầu người ở Ấn Độ cao gấp 2,5 lần so với mức hiện tại.
Tình trạng thiếu nước kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ với đời sống xã hội mà còn với kinh tế. Trong báo cáo công bố ngày 25-6, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Ratings cảnh báo, cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu khả năng chống chịu các cú sốc của nền kinh tế quốc gia Nam Á. Tình trạng thiếu nước cũng tác động xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, khiến giá lương thực tăng cao, ảnh hưởng tới thu nhập của doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là nông dân, đồng thời gây ra bất ổn xã hội.
Là một cường quốc nông nghiệp, Ấn Độ là nước sản xuất sữa và gia vị lớn nhất thế giới. Đây cũng là nước sản xuất gạo, lúa mì, rau, trái cây và bông lớn thứ hai thế giới. Nông nghiệp chiếm 90% lượng nước sử dụng ở Ấn Độ. Nếu thiếu nguồn tài nguyên quý giá này, ngành nông nghiệp của Ấn Độ sẽ lao đao, kéo theo tình trạng nghèo đói gia tăng.
Đáng nói, Ấn Độ còn là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Do vậy, nếu mặt hàng lương thực chủ lực này của Ấn Độ bị thiếu hụt, không chỉ giá gạo trên thế giới tăng cao mà chính sách xuất, nhập khẩu lương thực của nhiều quốc gia cũng bị tác động.
Ngoài nông nghiệp, các ngành phụ thuộc nhiều vào nước như điện than và sản xuất thép của Ấn Độ cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề, theo dự báo của Moody's Ratings. Sự gián đoạn hoạt động của các ngành công nghiệp quan trọng sẽ cản trở tăng trưởng doanh thu và ảnh hưởng đến đánh giá “sức khỏe” tín dụng của Ấn Độ. Moody's Ratings cho rằng, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp nước và năng lượng tái tạo có thể giảm thiểu những rủi ro này và cải thiện việc sử dụng nước hiệu quả hơn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Hiện nay, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Nhưng sự vươn lên mạnh mẽ của quốc gia Nam Á sẽ gặp nhiều trở ngại nếu cuộc khủng hoảng nước còn tiếp diễn. Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ Ấn Độ cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải bài toán thiếu nước trên diện rộng, tránh để tình hình ngày càng tệ hơn.
Ý kiến ()