Khủng hoảng nợ công, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu
Người biểu tình thuộc phong trào chiếm phố Uôn ở Mỹ phản đối bất bình đẳng thu nhập xã hội. Khủng hoảng nợ công lan rộng và kéo dài ở các nước phát triển, phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2011. Trong khi các nền kinh tế công nghiệp trì trệ, phục hồi mong manh, bài toán nợ công và suy thoái kinh tế ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản chưa có lời giải, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là những điểm sáng. Năm 2011 chứng kiến hai xu hướng kinh tế ngược chiều: Một bên là phương Đông trỗi dậy và bên kia phương Tây đang tụt dốc.Nguyên nhânNhững tháng cuối năm 2011, khủng hoảng nợ ở châu Âu vào giai đoạn nguy hiểm, lan từ các nước vùng ngoại vi vào các nền kinh tế trung tâm Khu vực đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone). Các gói cứu trợ khổng lồ của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho các nền kinh tế ngập trong nợ, như Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha chưa đủ để dập tắt nguy cơ...
Người biểu tình thuộc phong trào chiếm phố Uôn ở Mỹ phản đối bất bình đẳng thu nhập xã hội. |
Nguyên nhân
Những tháng cuối năm 2011, khủng hoảng nợ ở châu Âu vào giai đoạn nguy hiểm, lan từ các nước vùng ngoại vi vào các nền kinh tế trung tâm Khu vực đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone). Các gói cứu trợ khổng lồ của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho các nền kinh tế ngập trong nợ, như Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha chưa đủ để dập tắt nguy cơ khủng hoảng nợ lan tới các nền kinh tế chủ chốt của Eurozone, như Pháp, I-ta-li-a và Tây Ban Nha. Bài toán chung là sự giằng co giữa sức ép giảm thâm hụt ngân sách với các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được giải quyết đã kéo đổ chính phủ ở năm nước gồm Ai-len, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, I-ta-li-a và Tây Ban Nha. Sau mười năm đưa vào lưu hành, đồng ơ-rô vốn được coi là biểu tượng rõ nét nhất về hình mẫu hội nhập của châu Âu lại bị đem ra mổ xẻ, thậm chí bị chỉ trích nặng nề. Liên minh tiền tệ duy nhất ở châu Âu cận kề bờ vực phá sản, khiến nhiều người đã bàn tới các kịch bản tan rã của Eurozone với hậu quả đủ lớn có thể gây ra sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nợ công ở châu Âu được các chuyên gia chỉ rõ. Với từng quốc gia, đó là khả năng quản trị công yếu kém, chi tiêu thiếu hợp lý, hoặc mất kiểm soát các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng… Với cả khu vực, đó là thói quen “chi nhiều hơn thu” kéo dài và hệ thống phúc lợi xã hội ngày càng phình to. Để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, châu Âu dễ dàng vay mượn quá mức, không tương thích tốc độ tăng trưởng kinh tế và vì thế đẩy tình trạng thâm hụt ngân sách và mức nợ công tăng chóng mặt, vượt khả năng kiểm soát.
Cuộc khủng hoảng nợ làm lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc trong EU, sau gần 20 năm hiệp ước EU được ký kết và là tiền đề hình thành khối ơ-rô sau này. Sức ép về nhu cầu thống nhất chính sách tài chính chung khiến Pháp và Đức muốn sửa đổi Hiệp ước Li-xbon, vốn phải trải qua quá trình soạn thảo và thông qua gần một thập kỷ. Một số quốc gia thành viên đổ lỗi cho năng lực yếu kém của một vài chính phủ kéo cả khu vực vào vòng xoáy khủng hoảng, phải san sẻ rủi ro và chấp nhận thiệt hại từ lỗi không do mình gây ra. Những nước nghèo ở phía đông cũng phải đóng góp cho quỹ cứu trợ các nước giàu hơn ở phía tây ngập trong nợ nần. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Anh đã đứng ngoài các nỗ lực chung của khối. Dù đã thông qua “công ước tài chính” nhằm tạm thời đẩy lùi nguy cơ sụp đổ đồng ơ-rô, nhưng Hội nghị cấp cao EU đầu tháng 12 vẫn bỏ lỡ “cơ hội cuối cùng” nhằm cải cách triệt để một “châu Âu thống nhất”…
Những hệ lụy về xã hội
Quyết định khó khăn vào phút chót của QH Mỹ nâng trần nợ công và việc để mất định mức tín nhiệm “ba chữ A” lần đầu trong lịch sử, kể từ khi nền kinh tế số một thế giới này nhận được đánh giá “AAA” từ năm 1917, được coi là thất bại lớn nhất của Mỹ năm 2011. Nợ công vượt 100% GDP, cùng với cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại QH Mỹ là lý do hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poors đánh tụt hạng tín nhiệm kinh tế Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy, nợ công của Mỹ lập kỷ lục tới 15 nghìn tỷ USD, thâm hụt
ngân sách tài khóa kết thúc ngày 30-9-2011 là 1.300 tỷ USD. Mặc dù Tổng thống B.Ô-ba-ma công bố dự án tạo việc làm trị giá hàng trăm tỷ USD đầy tham vọng, nhưng bế tắc chính trị do tranh giành quyền lực tại QH đã khiến các nỗ lực của Nhà trắng nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp tới 8,6% chưa đem lại kết quả…
Với tỷ lệ nợ công vượt 200% GDP, mức cao nhất trong số các nước phát triển, kèm theo triển vọng kinh tế không sáng sủa, Nhật Bản chính thức để tuột vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay quý đầu năm 2011. Dù nguy cơ vỡ nợ của Nhật Bản thấp hơn nhiều so các nền kinh tế Eurozone (do 95% trái phiếu Chính phủ Nhật Bản nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước), nhưng mức nợ công ở nước này cũng ở ngưỡng nguy hiểm. Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tiền tệ, giảm giá trị đồng yên so USD nhằm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, cùng với gánh nặng chi phí tái thiết đất nước sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3 là những yếu tố góp phần đẩy nợ công của Nhật Bản lên hơn một triệu tỷ yên (tương đương 220% GDP năm 2010).
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ bắt nguồn từ chính sách tài chính lỏng lẻo, thiếu nhất quán không chỉ gây bất ổn kinh tế, giảm sút niềm tin và căng thẳng cao độ trên các thị trường tài chính, mà còn tạo những hệ lụy về xã hội. “Cơn giận dữ đường phố” ở Hy Lạp, Tây Ban Nha bùng nổ từ hệ lụy chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà các chính phủ Eurozone buộc phải thực thi để đổi lấy các gói giải cứu khổng lồ từ EU và IMF. Người lao động, người nghèo và giới trẻ Tây Ban Nha, Hy Lạp hay I-ta-li-a trở thành đối tượng chịu thiệt thòi, sẵn sàng tham gia các cuộc “tuần hành giận dữ”. Làn sóng bạo loạn ở Anh là dấu hiệu cơn thịnh nộ âm ỉ trong xã hội bất bình với các biện pháp cắt giảm phúc lợi xã hội.
Phong trào “Chiếm lấy phố Uôn” ở Niu Oóc nhanh chóng lan rộng trong nước Mỹ, ra khắp thế giới, trở thành diễn đàn bày tỏ sự bất bình của người lao động đối với mô hình tăng trưởng “vì người giàu” của chủ nghĩa tư bản. “Nhóm 99%” là tầng lớp người lao động, giới trung lưu lên án sự tham lam vô độ của “nhóm 1%” là giới chủ tài chính – ngân hàng, những người siêu giàu, chiếm tới 40% tài sản của nước Mỹ và được hưởng nhiều đặc quyền…
Châu Á – Thái Bình Dương, “điểm sáng kinh tế”
Với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khủng hoảng nợ ở phương Tây được ví như một hành tinh đang lao về phía Trái đất, rất khó để có thể né tránh và cũng khó xác định thiệt hại nếu xảy ra va chạm. Thương mại và đầu tư ở các nền kinh tế châu Á dựa chủ yếu vào xuất khẩu đã “cảm nhận” rõ tác động của khủng hoảng nợ ở châu Âu và Mỹ. Mỹ và EU, quốc gia và khối kinh tế lớn nhất thế giới, tổng cộng chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Á. Dòng vốn từ Mỹ và Eurozone cũng là kênh đầu tư quan trọng vào châu Á. Vì thế, không thể phủ nhận sự đi xuống của các nền kinh tế quan trọng này sẽ kéo theo sự sụt giảm thương mại, đầu tư của châu Á. Nhiều nhà kinh tế ví von, có một “cơn bão thầm lặng” tràn qua các nền kinh tế mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương, khi xuất hiện làn sóng rút vốn từ Mỹ và châu Âu!
Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương vẫn được đánh giá là điểm sáng kinh tế thế giới năm 2011. Dù phải vật lộn chống lạm phát, giá lương thực leo thang, trong bối cảnh diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á vẫn đứng vững trước sự sụt giảm kinh tế ở các thị trường phương Tây. Kinh tế Đông Á tiếp tục đà phục hồi tương đối vững chắc, có thể coi là “hy vọng” trước một nền kinh tế Mỹ loạng choạng và châu Âu cận kề bờ vực phá sản. Cuối năm 2011, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2012, từ 7,8% xuống 7,5%, nhưng vẫn là ước mơ của Mỹ và châu Âu. Ngân hàng Thụy Sĩ (UBSS) còn ví rằng thế giới đang chứng kiến sự “biến đổi khí hậu” trong nền kinh tế toàn cầu, với vai trò ngày càng lớn của các nền kinh tế đang nổi lên trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, hay việc các thành viên nhóm BRICS tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và các nước công nghiệp phát triển chưa giảm tốc, có thể còn tồi tệ hơn trong năm 2012. Những gì diễn ra trong năm qua thúc đẩy thế giới đẩy mạnh những thay đổi cần thiết, nhằm tái cấu trúc sâu rộng, cân bằng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, theo mô hình tăng trưởng bền vững hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()