Khủng hoảng nợ công ở châu Âu: "Nỗi lo này không của riêng ai"
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, việc hỗ trợ Hy Lạp để chính phủ nước này có khả năng khắc phục khủng hoảng nợ công, góp phần ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt quốc gia thuộc khu vực đồng Euro đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều chính phủ thuộc Liên minh châu Âu và các thể chế tài chính lớn trên thế giới.Biểu tình ở Hy Lạp chống lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ (Ảnh IT)Nguy cơ vỡ nợ từ Hy Lạp lan sang Ireland rồi đến Bồ Đào Nha đang đe doạ đà phục hồi kinh tế thế giới, có thể gây ra khủng hoảng tài chính mới và đòi hỏi những hỗ trợ khẩn cấp từ bên ngoài. Đó chính là nỗi lo thực sự "không phải của riêng ai". Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách (vượt 13% GDP năm 2010) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (khoảng 9% GDP, so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%). Bên cạnh đó, nợ còn...
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, việc hỗ trợ Hy Lạp để chính phủ nước này có khả năng khắc phục khủng hoảng nợ công, góp phần ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt quốc gia thuộc khu vực đồng Euro đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều chính phủ thuộc Liên minh châu Âu và các thể chế tài chính lớn trên thế giới.
Biểu tình ở Hy Lạp chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ (Ảnh IT) |
Nguy cơ vỡ nợ từ Hy Lạp lan sang Ireland rồi đến Bồ Đào Nha đang đe doạ đà phục hồi kinh tế thế giới, có thể gây ra khủng hoảng tài chính mới và đòi hỏi những hỗ trợ khẩn cấp từ bên ngoài. Đó chính là nỗi lo thực sự “không phải của riêng ai”.
Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách (vượt 13% GDP năm 2010) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (khoảng 9% GDP, so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%). Bên cạnh đó, nợ còn hạn của Hy Lạp lên tới gần 400 tỷ đôla Mỹ, trong đó, riêng nợ đến hạn năm 2010 là 73 tỷ đôla Mỹ. Lãi suất Hy Lạp phải trả cho các khoản vay nợ lên tới mức kỷ lục, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn.
Tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp xuống mức B1 từ mức Ba1 và cho biết sẽ có thể hạ thêm. Dù thực hiện được kế hoạch điều chỉnh kéo dài 3 năm, nợ của Hy Lạp đến năm 2013 vẫn lên mức 158% GDP.
Sự phụ thuộc quá nhiều của Hy Lạp vào nguồn tài trợ nước ngoài đã khiến cho nền kinh tế nước này trở nên dễ tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư. Sự nghi ngờ của giới đầu tư lên đến đỉnh điểm khi Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ước tính về thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 13,6% GDP – cao hơn hẳn so với con số ước tính được Chính phủ Hy Lạp đưa ra trước đó.
Hy Lạp đã chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone. Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp với mức hỗ trợ 110 tỷ euro trong vòng 3 năm 2011-2013 (lãi suất ưu đãi là 5%), trong đó các nước thuộc Eurozone bỏ ra 80 tỷ euro và 30 tỷ còn lại là IMF. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 11% GDP (2011) và xuống dưới mức quy định 3% của EU vào năm 2013. Cuộc khủng hoảng nợ công mang tên Hy Lạp đã trở thành nỗi ám ảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga D.Medvedev tại thành phố Hannover (Đức), Thủ tướng Đức – bà A. Markel nêu rõ đối với những người suy nghĩ có trách nhiệm về vấn đề nợ công trong Khu vực đồng Euro, một giải pháp toàn diện duy nhất cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và những khó khăn tài chính trong khu vực là điều không thể xảy ra, ngay cả trong Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 21/7 tới. Những người đề xuất tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này hoặc đã thiếu thận trọng, hoặc đã mất kiên nhẫn. Bà cũng tỏ ý nghi ngờ các ý tưởng như cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp, phát hành trái phiếu Khu vực đồng Euro, hay thành lập liên minh chuyển tiếp tiến tới một châu Âu liên bang.
Món nợ công khổng lồ của Hy Lạp không chỉ là nỗi lo lớn của khu vực đồng Euro mà đã buộc các thể chế tài chính lớn như “ngồi” trên đống lửa. Là một trong 3 thể chế tham gia gói cứu trợ cho Hy Lạp, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), IMF cho rằng, các nhà lãnh đạo EU cần hành động nhanh chóng, tránh để “bệnh” nợ công ở Hy Lạp lây lan, hủy hoại nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo IMF, sự lây lan khó khăn kinh tế ở các nền kinh tế yếu kém nhất, đặc biệt là Hy Lạp, có thể gây ra những hậu quả ngoài dự đoán đối với các nền kinh tế nòng cốt trong khu vực, chủ yếu là Pháp và Đức. Định chế cho vay lớn nhất thế giới này cho rằng, EU cần xác định rõ hơn vai trò của khu vực tư nhân trong các kế hoạch cứu trợ vỡ nợ, và bất kỳ sự chậm trễ nào trong vấn đề này đều có thể gây thiệt hại nặng nề cho Khu vực đồng Euro và nền kinh tế toàn cầu. IMF cảnh báo rằng, những hệ quả của bất cứ đường hướng chính sách nào cũng đều không thể dự báo trước được, và nói rằng, Eurozone cần nhiều tiền hơn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ các thành viên yếu kém nhất cũng như những ngân hàng vẫn còn mong manh trong khối này.
IMF quả là rất có lý khi đưa ra thông điệp cảnh báo như vậy. Ireland đã đưa ra các kết quả điều tra mới nhất về các ngân hàng nước này. Ngân hàng Trung ương Ireland đã lên tiếng yêu cầu trợ giúp từ Liên minh châu Âu trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng do chi phí trang trải các khoản nợ lên tới 70 tỷ Euro, tương đương 99 tỷ USD – một con số nợ khổng lồ đối với một đất nước tạo ra 171 tỷ USD một năm.
Cuộc khủng hoảng nợ công của Ireland không phải là điều bất ngờ như trường hợp Hy Lạp. Những dấu hiệu báo trước đã xuất hiện khá sớm. Trước tiên, đó là một thị trường bất động sản bong bóng. Trong một thập niên tính đến năm 2007, giá nhà tại Ireland tăng gần gấp 4 lần, thậm chí còn đắt hơn cả những thành phố vẫn được mệnh danh là đắt đỏ trên thế giới như Los Angeles.
Khi bong bóng bất động sản vỡ tung đã kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Và khi chính phủ ra tay cứu trợ ngân hàng – nợ công trở thành gánh nặng cho ngân khố quốc gia.
Ireland đã trở thành quốc gia thứ hai sau Hy Lạp buộc phải thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF và EU, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ như giảm ít nhất 10% mức lương tối thiểu, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm 25.000 biên chế trong các cơ quan nhà nước… Quốc gia này hy vọng với những biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng này, Ireland sẽ giải quyết triệt để khủng hoảng nợ công, giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục 32% GDP hiện nay xuống mức 3% GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.
Còn Bồ Đào Nha thừa nhận thâm hụt ngân sách 2010 của quốc gia này ở mức 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 7,3% đặt ra trước đó. Khoản nợ công của Bồ Đào Nha năm 2010 lên tới 84% GDP. Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn.
Dự báo, tỷ lệ nợ công Bồ Đào Nha sẽ tăng từ 82,4% trong tổng GDP trong năm ngoái lên 87,9% GDP trong năm nay và tăng đến 88,1% GDP vào năm tới. Cuộc khủng hoảng nợ công cũng khiến cho tình hình chính trị của nước này cũng bị chia rẽ sâu sắc. Quốc hội Bồ Đào Nha đã bác bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng của Chính phủ nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính của Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates, khiến ông tuyên bố từ chức.
Hồi tháng 4 năm nay, Bồ Đào Nha đã chính thức đề nghị sự giúp đỡ tài chính từ bên ngoài để vực dậy hệ thống tài chính và nền kinh tế. Các thành viên EU và giới phân tích nhận định quốc gia này cần ít nhất 100 tỷ USD để trang trải các khó khăn tài chính cho tới khi đáo hạn và tổng tuyển cử. Bồ Đào Nha phải trả 4,2 tỷ euro tiền trái phiếu đến hạn vào ngày 15/4 và thêm 4,9 tỷ USD vào tháng 6.
Giới phân tích nhận định, Tây Ban Nha sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công với bong bóng nhà đất khổng lồ và các vấn đề liên quan đến các khoản nợ tăng lên với mức độ chóng mặt. Hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm, cao chưa từng có từ trước tới nay. Như vậy, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh.
Trước tình hình cuộc khủng hoảng nợ công chưa có dấu hiệu hạn nhiệt, Thủ tướng Đức, bà Markel đã nhấn mạnh vấn đề giải quyết vấn đề nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu là một “trách nhiệm lịch sử”, là “ưu tiên hàng đầu” vì châu Âu không thể tồn tại mà không có đồng Euro, hiện đang được hơn 30 triệu người ở 17 trong số 27 nước thành viên EU sử dụng”. Bà khuyến cáo: “Thay vì đưa ra giải pháp nhanh chóng, các nước Khu vực đồng Euro cần một loạt bước đi và biện pháp liên tục có thể kiểm soát và quản lý được để giải quyết tận gốc vấn đề là giảm nợ cho Hy Lạp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này”.
Ngày 19/7, trong cuộc điện đàm trực tiếp, bà Markel đã thống nhất quan điểm với Tổng thống Mỹ Barak Obama rằng, giải quyết hiệu quả vấn đề nợ công trong Khu vực đồng Euro là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phục hồi kinh tế cho châu Âu nói riêng và vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm 20/7 đã tới Đức trong nỗ lực vào phút chót nhằm đảm bảo đạt sự đồng thuận về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu sắp tới. Đức và Pháp đang bất đồng về một số chi tiết liên quan gói cứu trợ này.
Trong bài diễn văn cùng ngày trước Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Ngoại trưởng Hy Lạp Stavros Lambrinidis cho rằng, hai giá trị cốt lõi của EU là trách nhiệm và đoàn kết đang bị đe dọa. Ông khẳng định, giờ đây không phải là lúc cân nhắc việc trừng phạt Hy Lạp, mà phải nghĩ cách cứu “mái nhà chung châu Âu”. Những nhận xét của ông Lambrinidis được xem là động thái nhằm thuyết phục các nước Khu vực đồng Euro đi đến thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp tại cuộc họp thượng đỉnh EU sắp tới.
Theo Website Dangcongsanvn
Ý kiến ()